Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Mọi dự án luật phải được đăng tải công khai trên website để nhân dân đóng góp ý kiến
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thưa Bộ trưởng, những vướng mắc lâu nay trong việc lập cơ sở dữ liệu phục vụ việc xây dựng các dự thảo luật trình QH sẽ được khắc phục như thế nào trong dự thảo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi lần này?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Dự thảo luật lần này quy định các hồ sơ trình dự án luật, pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ ngay từ khi trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải có đủ bộ hồ sơ cần thiết. Ngoài tờ trình còn phải có báo cáo về tác động kinh tế xã hội của dự thảo; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của không những các cơ quan liên quan mà còn của nhân dân, doanh nghiệp, đăng tải công khai trên website và trình bày rõ ý kiến tiếp thu hay không tiếp thu của cơ quan soạn thảo trong bộ hồ sơ đó. Luật lần này quy định bắt buộc khi trình dự án luật ra QH phải có đầy đủ thông tin hơn, những văn bản cần thiết để QH xem xét, quyết định kể cả việc đảm bảo nguồn tài chính, nguồn lực để thực thi luật đó.

PV: Như vậy, ta sẽ mất nhiều thời gian hơn khi làm luật, điều này có ảnh hưởng gì đến tốc độ thông qua các dự án luật mà chúng ta đang kỳ vọng hoàn thành xong không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nếu QH chấp nhận đơn giản hóa hình thức văn bản quy phạm pháp luật như Chính phủ đã báo cáo thì chúng ta sẽ loại bỏ được một bộ phận không nhỏ các văn bản hiện nay mà được gọi là văn bản quy phạm pháp luật để tập trung được nhân lực để xây dựng các dự án luật kỹ hơn. Ví dụ: Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề giảm giá xăng thì đây là loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành hay văn bản hành chính? . Theo quan điểm của ban soạn thảo thì đây là văn bản hành chính vì văn bản quy phạm pháp luật phải đưa ra quy tắc xử xự chung cho tất cả mọi người phải thực hiện, mang tính lặp đi lặp lại và được đảm bảo thi hành bằng bộ máy cưỡng chế của Nhà nước. Còn quyết định về giá xăng là quyết định mang tính biến động vì phụ thuộc vào thị trường thế giới và chỉ liên quan đến người tiêu dùng cụ thể. Thế nhưng quyết định của Bộ trưởng được liệt kê trong luật hiện hành là văn bản quy phạm pháp luật nên thủ tục trình tự ban hành nó đòi hỏi đúng trình tự của văn bản quy phạm pháp luật nên rất cầu và không đáp ứng được yêu cầu quản lý.

PV: Thưa Bộ trưởng,dự thảo luật lần này có quy định vai trò trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc xây dựng các dự thảo luật trước khi trình QH?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nếu luật này được ban hành thì Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự thảo một quy chế, theo đó, mỗi bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải có một cấp phó chuyên phụ trách việc xây dựng pháp luật và theo dõi thực hiện pháp luật và trong phân công công việc của các bộ, các ngành đều phải phân công một thứ trưởng phụ trách vấn đề này. Vì hiện nay, mảng luật pháp chưa được phân công một cách cụ thể. Có như vậy, thì sự phối kết hợp sẽ bài bản hơn có hệ thống hơn.

PV: Dự thảo luật mới này có quy định được trách nhiệm của các Bộ trưởng đối với mỗi dự án luật không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra, việc soạn thảo dự án Luật là công việc của tập thể, của nhiều ngành có liên quan chứ không phải của cá nhân nào cả. Khi Chính phủ thông qua một dự án luật để trình QH là tập thể Chính phủ quyết định chứ không phải một Bộ trưởng. Còn đương nhiên với tư cách là cơ quan chủ trì, Bộ trưởng đó phải đầu tư nhiều hơn. Nhưng rõ ràng hiện nay, đang có tình trạng công việc hành chính và hội họp quá nhiều, nên để tập trung đi vào từng chi tiết của từng dự án luật thì tôi nghĩ rằng cũng khó đòi hỏi được Bộ trưởng. Vấn đề là phải tăng cường kiện toàn, củng cố vụ pháp chế của các bộ, các ngành mà hiện nay theo tôi còn yếu.

PV: Có ý kiến cho rằng Bộ Tư pháp như một “bộ pháp luật” của Chính phủ, vậy theo Bộ trưởng, phải cần có điều kiện gì để Bộ Tư pháp xứng đáng với vai trò và vị trí của mình?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi cũng nhận được thông điệp này, hiện Bộ Tư pháp cũng đang khẩn trương kiện toàn, sắp xếp để đáp ứng ngày càng tốt hơn trách nhiệm được giao.

PV: Thưa Bộ trưởng, làm thế nào để việc đóng góp ý kiến của nhân dân đối với các dự án luật thực sự có hiệu quả?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nếu Luật này được QH thông qua, thì tất cả các luật được xây dựng về sau đều phải đăng trên website, trừ những dự thảo luật thuộc về bí mật Nhà nước, do đó việc thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được thực hiện sớm hơn rất nhiều. Và ở giai đoạn này, cơ quan soạn thảo có điều kiện sửa đổi các ý kiến của mình đã được đưa vào dự thảo vì đây mới chỉ là dự thảo ban đầu.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Theo TTXVN