Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trình bày hai dự án Luật trước Quốc hội.
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Mở đầu ngày làm việc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, nêu rõ sự cần thiết xây dựng luật và những nội dung chủ yếu của luật này.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cho biết: Ủy ban Pháp luật của QH tán thành việc ban hành Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cùng với những quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa.

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường; tạo cơ sở pháp lý cho việc Nhà nước huy động các nguồn lực vật chất bằng mệnh lệnh hành chính trong những trường hợp cụ thể và hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có tài sản bị trưng mua, trưng dụng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về hình thức của quyết định trưng mua, trưng dụng, về thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng; điều kiện trưng mua, trưng dụng, nguồn kinh phí trưng mua, trưng dụng, việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản trưng mua, trưng dụng… trong dự án luật.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Tiếp theo, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Bộ trưởng nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong thời gian qua và những hạn chế, yếu kém trong công tác này; sự cần thiết ban hành luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản Nhà nước trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này, cho biết: Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã dần đi vào nền nếp. Chính phủ đã tiến hành tổng kiểm kê tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong phạm vi toàn quốc vào năm 1998. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền, chế độ quản lý, sử dụng; định mức sử dụng; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể quản lý, sử dụng được ban hành đã giúp cho công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thống nhất, công khai, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng tài sản nhà nước không được sử dụng đúng mục đích, kém hiệu quả và không được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát, lãng phí còn nhiều. Việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước chưa được thực hiện một cách triệt để, dẫn đến không xác định được trách nhiệm khi xảy ra hậu quả. Tình trạng tham ô, tham nhũng không những không giảm mà còn gia tăng, cá biệt có vụ làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ủy ban Pháp luật của QH tán thành với Chính phủ về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và cho rằng, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là một vấn đề quan trọng, có vai trò quyết định trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm thực thi pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; tạo cơ sở pháp lý nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, loại bỏ cơ chế xin – cho, cơ chế phân phối dựa theo quan hệ thân quen, tư tưởng thừa còn hơn thiếu trong nền kinh tế tập trung, bao cấp trước đây.

Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải giải quyết có hiệu quả các quan hệ giữa nhu cầu và sử dụng; quyền đi đôi với trách nhiệm; tài sản gắn với quyền tài sản; gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại; phân biệt rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của chủ thể quản lý nhà nước về tài sản và chủ thể quản lý, sử dụng tài sản…

Theo Báo Nhân dân