“Bội thực” dự án thép – Mừng ít lo nhiều
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thời gian vừa qua có rất nhiều dự án sản xuất thép “khổng lồ” được đầu tư vào Việt Nam, liệu đây có phải là điều bất thường không, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Mặt tích cực ta có thể nhận thấy là các tập đoàn công ty lớn vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và đang xem Việt Nam là một thị trường có tiềm năng. Khi dự kiến đầu tư thì họ cũng tính đến khả năng sinh lời cho họ, nếu không có lợi nhuận thì họ sẽ không vào, đó là điều chắc chắn. Có một điều là họ vẫn tin tưởng Việt Nam vẫn có thể sinh lời cho họ được.

Nhưng còn về phía VN cần phải xem xét rất thận trọng về nhiều mặt, liệu có thể “tiêu hoá” được những dự án lớn như vậy hay không, trên thực tế cho thấy đã có nhiều dự án được đưa ra ở Việt Nam lâu nay nhưng không được thực hiện. Tức là, cái chênh trong cam kết vốn đầu tư dài hạn thì thường là chênh lệch rất lớn, nhưng trong suốt những năm vừa qua, tiến độ giải ngân của chúng ta lại rất chậm và thấp. Vì vậy cần phải xem lại xem chúng ta có thực sự tiêu hoá được hay họ có thực sự muốn đầu tư hay không, hoặc chỉ là việc nêu lên một con số rất to để vui lòng chủ nhà và hai bên thoả mãn lẫn nhau.

PV: Đứng trên góc độ là một chuyên gia kinh tế, bà có nhận thấy tính khả thi của các dự án sản xuất thép có mức vốn đầu tư quá lớn đang được lên kế hoạch hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Cần xem những dự án đó có thực sự khả thi hay không và tính khả thi đó có đem lại lợi ích cho chủ nhà và nhà đầu tư hay không. Ghi nhận thực tế cho thấy là cho đến năm 2007, TP.HCM vẫn có tới 70% nhà đầu tư nước ngoài kêu lỗ, có thể là có lỗ thật, nhưng có khả năng khác là do Việt Nam chưa đủ năng lực để kiểm soát được việc họ đã chuyển cái lỗ về Việt Nam và cái lãi được chuyển về công ty mẹ, đó là một kiểu mà các công ty đi làm ăn nước ngoài sử dụng rất nhiều trong khi chúng ta lại chưa thể kiểm soát được thì điều đó hoàn toàn là có. Có thể nhận thấy là vì họ tuyên bố lỗ ở VN nên tất cả những hứa hẹn đem lại cho VN sẽ không có nữa, mà nộp thuế là một ví dụ. Trong khi đó, mình lại phải è cổ ra gánh tất cả những cam kết về hỗ trợ cho họ thì cần phải xem xét. Trong điều kiện vật tư kinh tế như hiện nay, giá một số nguyên liệu đầu vào như phôi thép, hay một số sản phẩm của thép tăng cao như vậy mà các nhà đầu tư thép vẫn kỳ vọng là có thể đầu tư và mang lại kỳ vọng là lợi nhuận lớn thì có lẽ khó. Trong số các nhà đầu tư đó, liệu có bao nhiêu nhà đầu tư có những nghiên cứu cẩn trọng về thị trường trong nhiều năm trời để đi đến quyết định là sẽ đầu tư ở đâu. Hay chỉ trong một lúc nào đó, bột phát hay hứng khởi lên cùng với phía VN đang rất háo hức?

PV: Theo bà còn vấn đề gì đáng phải lo lắng khi chúng ta đang hồ hởi đón nhận các dự án này?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là nguy cơ về môi trường là có và trên thực tế đã có rồi, đối với cả nhà đầu tư đã vào với những cam kết thực hiện về môi trường nhưng họ hoàn toàn không làm. Trong khi đó, chúng ta lại không có một chế tài đầy đủ để giải quyết nghiêm túc. Một ví dụ là khi các nhà đầu tư khác nhận thấy Huyndai Vinashin có thể gây ô nhiễm môi trường đến hàng chục năm mà không ai làm gì để được tha bổng với số tiền phạt chỉ là 10 triệu đồng thì họ thấy như một chuyện đùa và lúc đó không chỉ họ, mà cả các nhà đầu tư mới cũng sẽ không lo chuyện môi trường ở VN nữa. Tôi nghĩ rằng, hệ quả về môi trường là cái đáng xem xét.

Bà Phạm Chi Lan

PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương đang lạm dụng chính sách phân cấp để quyết định một cách ồ ạt cho các nhà đầu tư. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Phạm Chi Lan: Về một số lĩnh vực thì tôi nghĩ Chính phủ, Nhà nước phải rất kiên quyết giữ chiến lược kinh tế của mình chứ không thực sự để quyền cho các địa phương thực sự quyết định. Những dự án quy mô lớn, những dự án sử dụng nhiều tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì nhà nước phải xem xét. Vì các địa phương chưa đủ năng lực thẩm định, thêm nữa là địa phương chỉ tính đến lợi ích của mình mà không tính đến tổng thể chung của đất nước.

Chủ trương phân cấp là đúng, nhưng phân cấp phải hợp lý và có mức độ. Quyền lực gì thì cũng có trong giới hạn của nó. Quyết định trong giới hạn của địa phương thì được, nhưng ảnh hưởng đến cả một quốc gia thì quốc gia phải làm, chứ không phải là quyền lực vô hạn, quyền lực phải đi với trách nhiệm nữa.

Cũng phải thông cảm với các địa phương bởi họ rất khao khát muốn có được đầu tư. Tôi chỉ mong muốn là các địa phương phải cẩn trọng hơn nữa trong việc xem xét, có một tầm nhìn xa hơn và có một ý thức chung đối với đất nước chứ không phải chỉ với địa phương mình.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử