Các chỉ số chú ý trong quý I/2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

GDP tăng 3,1%

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2009 ước tính tăng 3,1%, bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,5%; khu vực dịch vụ tăng 5,4%.

Trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,1 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 0,7 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 2,3 điểm phần trăm.

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I là 3,1% – con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 7,4%.

Tổng cục Thống kê dự báo với điều kiện khó khăn hiện nay, GDP 2009 chỉ có thể tăng 4,8-5,6%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6%).

Sau thời điểm đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2009, Thủ tướng nhất trí với các thành viên Chính phủ đề nghị Đảng, Quốc hội cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 xuống khoảng 5%; bội chi ngân sách tối đa không quá 8%.

Qúy I xuất siêu 1,6 tỷ USD

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2009 ước tính đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2009, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính lượng vàng xuất khẩu thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu quý I/2009 đạt 11,2 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3/2009 ước tính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 46,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I/2009 ước tính đạt 11,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 50,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,3 tỷ USD, giảm 32,4%.

Xuất siêu tháng 3/2009 ước tính 400 triệu USD, bằng 8,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tính chung quý I/2009, xuất siêu 1,6 tỷ USD, bằng 12,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, việc chuyển từ huyển vị thế từ nhập siêu lớn sang xuất siêu 3 tháng liền đầu năm nay không hẳn là điều đáng mừng. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, nếu loại trừ kim ngạch tái xuất vàng thì quý I/2009 nhập siêu 640 triệu USD, bằng 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thu ngân sách ước tính bằng 18,5%-chi 16,3% dự toán năm

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/3/2009 ước tính bằng 18,5% dự toán năm. Trong đó các khoản thu nội địa bằng 19,2%; thu từ dầu thô bằng 16,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 18,4%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2009 ước tính bằng 16,3% dự toán năm. Trong đó chi đầu tư phát triển bằng 16,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 15,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 19,2%; chi trả nợ và viện trợ bằng 16,3%.

FDI giảm 40% so với cùng kỳ

Theo Bộ kế hoạch đầu tư, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong quý I/2009, FDI cả nước đạt 6 tỷ USD, giảm 40% so với cùng kỳ.

Cụ thể, qúy 1 năm 2009, cả nước có 93 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.171 triệu USD, bằng 28% về số dự án và 30% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2008.

Có 34 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 3.844 triệu USD, bằng 31% về số dự án nhưng tăng 34% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn đạt 6 tỷ USD, giảm 40% so với cùng kỳ. (Được biết, hai tháng đầu năm thu hút FDI cả nước đã đạt 5,3 tỷ USD. Riêng tháng 2/2009 cả đăng ký mới và tăng vốn là 5,1 tỷ USD gấp 27 lần tháng 1/2009.)

Giải ngân của ODA 3 tháng đầu năm đạt 5,7% kế hoạch cả năm 2009.

Trong quý I năm 2009 có 3 chương trình, dự án ODA được ký kết thông qua Hiệp định với tổng trị giá 26,23 triệu USD. Trong đó vốn vat đạt 21 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 5,23 triệu USD.

Những dự án được đăng ký bao gồm: Nâng cao năng lực phát triển Nông nghiệp và nông thôn ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam do Nhật Bản tài trợ trị giá 3,5 triệu USD; dự án Cải thiện đời sống của đồng bào miền núi tỉnh Bắc Kạn do IFAD và GEF đồng tài trợ trị giá 21,65 triệu US; Dự án Tăng cường năng lực hoạt động tình nguyện vì phát triển ở Việt Nam trị giá 1,08 triệu USD do UNDP viện trợ không hoàn lại.

Như vậy, quý I năm 2009, ước tổng giá trị giải ngân ODA đạt khoảng 198 triệu USD trong đó vốn vay khoảng 153 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 45 triệu USD. Mức giải ngân của 3 tháng đầu năm đạt 5,7% so với kế hoạch giải ngân của cả năm 2009.

Đáng chú ý, trong ngày 31/3, tại Tokyo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Bà Sadako Ogata – Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký 4 Hiệp định vay ODA cho năm tài khoá 2008 với tổng trị giá vốn vay là 83,201 tỷ Yên Nhật.

Kể từ năm 1993, đây là năm thứ 17 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay vốn ODA với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 1249 tỷ Yên.

CPI tăng 14,47% so với cùng kỳ

Bất chấp việc giá điện được điều chỉnh tăng, CPI cả nước tháng 3 vẫn giảm 0,17%. Tính chung cả quý I/2009 chỉ số giá tiêu dùng tăng 14,47 % so với quý I/2008.

Trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,46% (lương thực tăng 1,27%; thực phẩm giảm 1,55%); phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,55%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,12%.

Giá các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhẹ: Giáo dục tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; dược phẩm, y tế tăng 0,29%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%.

Quý I/2009 chỉ số giá vàng tăng 4,93 % và chỉ số giá USD tăng 9,53 % so với cùng kỳ năm 2008.

Vũ Minh
Nguồn: CafeF.vn