Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Ngày 29.5, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng lãi suất tiền đồng dưới 1 tháng là 12%/năm, từ 1 – 6 tháng là 14%/năm và trên 6 tháng là 14,4%/năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã tăng lãi suất huy động tiền đồng dưới 6 tháng là 15%/năm, từ 6 – 12 tháng là 14,5%/năm và trên 12 tháng là 14%/năm.

Các ngân hàng cổ phần cũng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Ngày 28.5, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng linh hoạt có kỳ hạn 12 tháng lên 15,36%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tăng lãi suất huy động tiền đồng áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng trở xuống từ 14,1 – 14,4%/năm (gửi từ 20 triệu đồng trở lên còn được cộng thêm lãi suất thưởng từ 0,24 – 1,8%/năm). Đối với lãi suất huy động USD từ 6 tháng trở lên là 7%/năm, dưới 6 tháng từ 6,5 – 6,9%/năm (gửi từ 5.000 USD trở lên còn được cộng thêm lãi suất từ 0,05 – 0,3%/năm).

Ngày 29.5, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) tăng lãi suất huy động USD từ 7 – 7,5%/năm tùy từng kỳ hạn, cao nhất là kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) tăng lãi suất huy động tiền đồng từ 1 – 36 tháng lên 14,28%/năm. Khách hàng gửi từ 50 triệu đồng trở lên còn được tặng thêm lãi suất từ 0,3 – 0,65%/năm. Ngoài ra DongA Bank còn tăng lãi suất huy động tiết kiệm USD lên mức cao nhất 7,56%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng tăng lãi suất huy động tiền đồng lên mức cao nhất 15%/năm, lãi suất huy động USD cao nhất 7,16%/năm.

Ngân hàng Nam Việt nâng lãi suất lên 15,8%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng (trước đó là 15,1%/năm), 15,6%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần đến 2 tháng.

Techcombank áp dụng mức lãi suất 15,2%/năm đối với các kỳ hạn trên 4 tháng và từ 15 – 15,15%/năm đối với kỳ hạn dưới 4 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ dành riêng cho khách hàng tham gia chương trình tiết kiệm “Siêu may mắn” (gửi 10 triệu được quay số trúng thưởng 1 tỉ đồng) với cam kết không được rút một phần hoặc toàn bộ gốc, lãi trước kỳ hạn. Ngân hàng Á Châu (ACB) có mức lãi suất mới dao động từ 14,24 – 14,98%/năm tùy theo kỳ hạn và số tiền gửi.

Với mức lãi suất huy động này, nhiều khoản tiền lớn đã chảy sang các ngân hàng có mức lãi suất cao hơn. Chỉ trong 1 ngày, 2 doanh nghiệp có số tiền gửi 200 tỉ đồng và 2 triệu USD đã rút tiền gửi tại một ngân hàng quốc doanh có chi nhánh trên đường Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM (lãi suất huy động cao nhất chỉ đến 13,75%/năm) đi gửi ở chi nhánh ngân hàng quốc doanh khác có mức lãi suất cao hơn (15%/năm). Các trường hợp tương tự ngày càng trở nên phổ biến. Một phó giám đốc ngân hàng cho rằng với lãi suất huy động 15%/năm, ngân hàng sẽ lỗ nên đành chấp nhận để khách hàng chạy sang ngân hàng khác. Nhiều ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động chỉ để giữ khách hàng chứ thật sự không thiếu vốn. “Với mức lãi suất cao như hiện nay, không biết các ngân hàng có huy động mới được bao nhiêu chứ tình trạng vốn chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác đang diễn ra nhiều ngày nay. Hiện tại các ngân hàng không được phép cho vay vượt quá 18%/năm nên với mức lãi suất huy động cao, các ngân hàng sẽ “biến tấu” sang các loại phí thu thêm từ khách hàng”, trưởng phòng khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM cho hay.

Nguồn: Báo Thanh niên điện tử