Cần xây dựng Luật Thủ tục hành chính
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều này đã gây ra không ít trở ngại cho hoạt động của các cơ quan nhà nước và nhân dân. Đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực quản lý nhà đất, xây dựng (cấp quyền sở hữu nhà, cho thuê nhà, mua bán nhà, cấp phép xây mới, sửa chữa nhà, cấp quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất…); Đầu tư nước ngoài; Thủ tục về trước bạ, đăng ký kinh doanh… đang còn những bất hợp lý gây nhiều khó khăn, phiền hà cho nhân dân.

Nhiều cơ quan chức năng thiếu hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và công khai các thủ tục hành chính cho nhân dân biết. Một số công chức có thái độ cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu dân. Việc thu phí, lệ phí còn khá lộn xộn, tùy tiện, không đúng pháp luật, vừa gây thất thoát ngân sách, vừa nảy sinh tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực thuế. Cơ quan nhà nước chưa thật quan tâm và thiếu tích cực trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, lẩn tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có vụ việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết.

Trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước còn nhiều tồn tại. Các quyết định, chỉ thị, chủ trương của cấp trên chưa được cấp dưới thi hành nghiêm túc. Một số lĩnh vực như: Quản lý đô thị, quản lý tài nguyên rừng và khoáng sản, đất đai, cảnh quan môi trường, trật tự công cộng, quản lý thị trường, các dịch vụ du lịch, buôn bán… bị buông lỏng hoặc quản lý không thường xuyên…

Tồn tại các bất cập trên là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các văn bản pháp luật hiện hành còn trao cho quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành các thủ tục hành chính, với nhiều hình thức văn bản và ở nhiều cấp khác nhau. Trong thực tế còn tồn tại một số chủ thể không có thẩm quyền cũng tự ý đặt ra các thủ tục hành chính, hoặc ban hành sai thẩm quyền, hình thức văn bản. Thứ hai, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các thủ tục hành chính cũng chưa được quy định đồng bộ. Việc quy định thủ tục hành chính mới thường xuất phát từ nhu cầu quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan công quyền mà chưa thật sự chú trọng quyền lợi của người dân. Thứ ba, nội dung của các thủ tục hành chính chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là việc quy định thời gian hoàn tất thủ tục và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể; Thiếu các biện pháp bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc quy định và thực hiện thủ tục hành chính; Thiếu cơ chế phối hợp, điều hòa giữa các cơ quan hành chính nhà nước và cơ chế kiểm soát trong việc ban hành, sửa đổi thủ tục hành chính. Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính chưa thật sự được coi trọng, đặc biệt việc giáo dục đạo đức, ý thức của công chức liên quan đến thủ tục hành chính chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại trên, cần phải xây dựng Luật Thủ tục hành chính, quy định một cách cụ thể các chủ thể có thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hợp lý số lượng chủ thể và thực hiện nguyên tắc phân quyền tập trung. Theo đó, cần phải xác định các thủ thể ở TƯ có thẩm quyền chỉ bao gồm: QH, UBTVQH, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Các chủ thể ở địa phương có thẩm quyền bao gồm: HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Các thủ tục chỉ trong phạm vi của tỉnh và giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh theo quy định của pháp luật. Không trao quyền cho các cơ quan trực thuộc Bộ hoặc cấp Vụ, Cục hoặc các sở, ban, ngành.

Bên cạnh đó, Luật Thủ tục hành chính cần quy định một cách chung nhất quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính với trình tự, thủ tục và thời hạn cho từng công việc cụ thể như: Lập báo cáo đánh giá tác động của thủ tục, làm rõ chi phí, nguồn nhân lực và thời gian cần thiết để thực hiện… Có các quy định về cơ chế quản lý và kiểm soát đối với việc quy định và thực hiện thủ tục hành chính. Cụ thể, Chính phủ cần phải thiết lập một cơ quan quản lý chuyên ngành về thủ tục hành chính có trách nhiệm giúp Chính phủ từ khâu ban hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ, thực hiện và xử lý các tranh chấp, vi phạm về thủ tục hành chính; Đưa ra các kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đề nghị các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục hành chính. Luật cũng cần quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể trong quy định, thực hiện, xử lý các tranh chấp, vi phạm về thủ tục hành chính. Theo đó, cần phải quy định trách nhiệm chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chuyên trách về thủ tục hành chính, các chủ thể có thẩm quyền ban hành, các chủ thể thực hiện thủ tục hành chính và đặc biệt, cần quy định trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước trong công tác phối hợp thực hiện thủ tục hành chính.

Quy định về hiện đại hóa thủ tục hành chính cũng là nội dung cần thiết, phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; Hạn chế sự lộng quyền, gây phiền phức, tiết kiệm chi phí, thời gian, tiền bạc của Nhà nước và người dân. Việc công khai, minh bạch trong quy định và thực hiện thủ tục hành chính cũng cần làm rõ: Quy định về công khai nội dung thủ tục hành chính (niêm yết tại nơi thực hiện thủ tục hành chính, qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng…) và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện công khai, minh bạch.

Tóm lại, kết hợp hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là một yêu cầu mà Luật Thủ tục hành chính cần phải hướng tới.

Hoàng Văn Tú
Phó vụ trưởng Vụ Công tác lập pháp – VPQH

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân