Cảnh báo tác động cộng hưởng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công ty cổ phần Gò Đàng (Godaco – Tiền Giang) cho biết, thị trường xuất khẩu hàng thủy sản chế biến của Công ty đã giảm tới 30% trong tháng 10. Một số doanh nghiệp trong ngành may mặc ở Bình Dương thì nhận được đề nghị cắt giảm 30 – 40% đơn hàng đã ký kết từ các khách hàng Anh, Mỹ, Canada…

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của Việt Nam đã giảm so với tháng 9, bởi sự sút giảm đáng kể của giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, dầu thô…

Có thể thấy, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không dừng lại ở những ảnh hưởng gián tiếp như nhiều phân tích cách đây khoảng một tháng. Thậm chí, ngay cả những dự đoán về thị trường xuất khẩu hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ không có nhiều biến động lớn như đối với hàng xa xỉ phẩm của ông Raymond Mallon – chuyên gia kinh tế hàng đầu khu vực châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, cũng đã nhận được câu trả lời phủ định.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã khẳng định, xu hướng tác động tiêu cực đã rất rõ đối với các doanh nghiệp (DN). Đây là khuyến cáo cần được các DN quan tâm.

Xu hướng về tác động tiêu cực ở đây chính là khả năng suy thoái toàn cầu dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên đương nhiên sẽ chịu tác động mạnh và trực tiếp từ cuộc suy thoái toàn cầu này. “Suy thoái sẽ ảnh hưởng đến sự luân chuyển dòng vốn, luân chuyển hàng hoá, nên phạm vi ảnh hưởng của chúng là rất rộng. Đối với các DN, mức độ chịu tác động sẽ phụ thuộc vào độ mở, mối quan hệ với thị trường quốc tế của DN đó”, ông Thiên phân tích.

Có thể thấy ngay, các DN xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hoá sụt giảm, bởi các kế hoạch cắt giảm chi tiêu… Các DN trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng đương nhiên không thoát khỏi vòng xoáy khi dòng tiền, dòng vốn thay đổi, tỷ giá và lãi suất trên thế giới biến động mạnh, tác động lớn tới các phương án tính toán lãi suất của Việt Nam.

Đặc biệt, ông Thiên nhắc tới khả năng chịu tác động cộng hưởng khi các dấu hiệu tích cực trong chính sách kiềm chế lạm phát của Việt Nam đang đồng nhịp với các dấu hiệu giảm phát mạnh của kinh tế thế giới. “Thái độ với lạm phát vào thời điểm này không thể giống như khi giá cả thế giới ở mức cao. DN phải bám sát các động thái chính sách để có sự chuẩn bị và phản ứng phù hợp”, ông Thiên khuyến cáo.

Doanh nghiệp Việt Nam sau giai đoạn chung tay ứng phó với lạm phát đang vào giai đoạn dễ bị tổn thương do “sức khoẻ” kém. Cuộc chiến lãi suất vừa qua đã ngốn đi khá nhiều sức lực của DN Việt Nam. Cho dù vào thời điểm này, với động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về cắt giảm lãi suất cơ bản từ 13% còn 12%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 14% còn 13%/năm, lãi suất chiết khấu từ 12% còn 11%/năm, dự trữ bắt buộc bằng VND giảm 1%, ngoại tệ giảm 2% từ ngày 4/11/2008, song khó khăn vẫn rất nặng nề.

Nhiều DN cho biết, với tình hình thị trường hiện nay, để đảm bảo mức lợi nhuận 15 – 16%, ngang bằng mức lãi suất cho vay hấp dẫn nhất của một số ngân hàng thương mại, thì DN phải nỗ lực hết sức. Điều đáng nói là, không nhiều DN dám đặt kỳ vọng này vào kế hoạch doanh thu những tháng cuối năm và đặc biệt là cho năm 2009. Nhiều đại hội cổ đông thời gian qua đã họp để thông qua nội dung điều chỉnh giảm doanh thu, lợi nhuận của năm 2008…

“Các động thái chính sách của Chính phủ hiện nay theo hướng nới dần chính sách tiền tệ để DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy khả năng phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhạy cảm vì khả năng đảo chiều nhanh có thể xảy ra khi mất đà kiểm soát. DN sẽ tiếp tục là đối tượng gánh chịu nếu như chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, đặc biệt là cắt giảm chi tiêu công, không được phối hợp hiệu quả”, ông Thiên nói.

Ở đây, vai trò của ngân sách được phân tích là chưa tham gia đủ mạnh, thể hiện sự chung tay gánh vác với DN trong cuộc chiến chống lạm phát và đối phó với khả năng đảo chiều tới đây. “Mức bội chi ngân sách hiện nay là 4,8%, kế hoạch 2009 là 4,3% cho thấy, cắt giảm chi tiêu công chưa thực sự quyết liệt. Điều quan trọng trong vấn đề này không đơn giản là cắt giảm, mà là thay đổi cơ cấu chi tiêu công, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Theo tôi, để có được tín hiệu đủ mạnh, đủ chiếm được lòng tin của DN, mức bội chi cần giảm mạnh, có thể ở mức 2 – 3% và thấp hơn nữa”, ông Thiên khuyến nghị và cho rằng, chính sách kiềm chề lạm phát giai đoạn hiện nay phải tính tới yếu tố tạo động lực cho DN tăng trưởng.

Ngoài ra, ông Thiên cho rằng, một số yếu tố khác cần phải được phải tính toán cẩn thận, đặc biệt là chính sách tỷ giá. Với những dấu hiệu rất rõ về xuất khẩu gặp khó khăn, kèm theo những biến động bất thường của đồng USD trên thị truờng thế giới Chính phủ cần cân nhắc về chính sách tỷ giá tích cực nhằm tạo đà cho xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Nguồn:  Báo Điện tử Đầu tư