Cảnh báo về hiện tượng lừa đảo thương mại tại một số nước châu Phi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Được biết, trong quá trình giao dịch, các đối tác châu Phi thường yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu trả trước một số tiền lệ phí như phí nhập khẩu, phí giao dịch hoặc phí đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu…

Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với các đối tác nước ngoài cần lưu ý cảnh giác để tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là lừa đảo lệ phí trả trước, là hình thức lừa đảo nhằm chiếm dụng khoản tiền của nạn nhân trả với hy vọng sẽ nhận được một khoản tiền khác lớn hơn.

Hình thức phổ biến là mời tham gia đầu tư vào một dự án, hoặc đề nghị mua hàng của doanh nghiệp sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu trả một khoản lệ phí để xin giấy chứng nhận nhập khẩu hàng hóa, phí giấy phép nhập khẩu hoặc phí đăng ký nhập khẩu vào nước sở tại… Kẻ lừa đảo thường giả danh một doanh nghiệp nhập khẩu và đưa ra các giấy chứng nhận doanh nghiệp giả mạo. Hình thức lừa đảo này thường xuất phát từ các doanh nghiệp mang quốc tịch tại các nước Tây Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Bờ Biển Ngà, Togo, Senegal và Burkina Faso.

Hình thức phổ biến thứ hai là lừa đảo bằng hợp đồng kinh tế. Theo đó, kẻ lừa đảo thỏa thuận thanh toán sản phẩm do nạn nhân cung cấp bằng một tờ séc ngân hàng. Tuy nhiên, khi tờ séc đến tay nạn nhân thì số tiền ghi trong séc lại nhiều hơn giá trị hợp đồng. Khi đó, bọn lừa đảo sẽ đề nghị nạn nhân trả cho chúng phần phụ trội bằng tiền mặt thông qua dịch vụ chuyển tiền. Lợi dụng thời gian “chờ” của giao dịch bằng séc, bọn chúng sẽ nhận được tiền mặt trước khi tấm séc bị phát hiện là giả. Nạn nhân sẽ bị thu hồi khoản tiền rút ra bằng séc, bị mất số tiền mặt đã chuyển cho bọn lừa đảo và mắc kẹt với số sản phẩm đã sản xuất nhưng không tiêu thụ được.

Mặc dù đa số các vụ lừa đảo đều được thực hiện thông qua email, một số vụ đã sử dụng cả các trang web bắt chước giống hệt trang web chính thức hoặc trang web về một doanh nghiệp ảo không có thực để lừa đảo. Chúng cho phép nạn nhân truy cập vào các trang này để xem và thấy khoản tiền được hứa hẹn đang tồn tại trong tài khoản. Thậm chí, chúng còn dẫn dắt nạn nhân đến các trang web thật có đăng tin liên quan đến dự án.

Thương vụ Việt Nam tại Marốc cho biết, tại những nước khu vực Tây Phi (như Togo, Bénin, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Niger), luật thương mại khá thông thoáng và tự do. Đối với những mặt hàng thông thường không thuộc danh mục hạn chế hoặc cấm nhập khẩu, nhà xuất khẩu nước ngoài không phải chứng minh đã từng xuất khẩu hàng sang nước sở tại hay phải đăng ký tại Phòng Công nghiệp và Thương mại hay Bộ Thương mại của nước nhập khẩu. Ngoài ra, nhà xuất khẩu không phải thanh toán phí nhập khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu vì (nếu có) trách nhiệm này thuộc về người nhập khẩu hàng.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, nhiều nước ở châu Phi là nước nói tiếng Pháp và tất cả các văn bản chính thức được soạn thảo bằng tiếng Pháp ngay cả tại các tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế có trụ sở tại đây. Do vậy, nếu một văn bản hành chính (như giấy phép kinh doanh) viết bằng tiếng Anh thì đó có thể là một hành vi lừa đảo.

Về phương thức thanh toán, Thương vụ Việt Nam tại Marốc khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nên sử dụng hình thức xác nhận tín dụng hoặc bảo đảm của ngân hàng để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán của người mua. Trên thực tế, tín dụng thư không chỉ bảm bảo việc thanh toán mà thời hạn cũng nhanh hơn phương thức giao bộ chứng từ (thường mất đến 15 ngày). Luật ngân hàng của các nước Tây Phi nói tiếng Pháp như Tôgô, Benin, Xênêgal… có nhiều điểm giống với những quy định về ngân hàng của Pháp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới ngoài các thị trường truyền thống. Tuy nhiên, để vừa đảm bảo an toàn khi xuất khẩu vừa không đánh mất cơ hội mở rộng khách hàng và thị trường mới, nếu cảm thấy có những bất thường trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần xác minh rõ đối tác và các yêu cầu của họ.

Để xác minh doanh nghiệp đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại hoặc gửi về:

Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á
Địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (04)22205409
E-mail: VCPTANA@moit.gov.vn) để xác minh trước khi tiến hành giao dịch.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á
(Bộ Công Thương)