Chánh án Tối cao lý giải vụ “cấm” Châu Thị Thu Nga khai “chạy” đại biểu Quốc hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng 18/11, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã lý giải về một tình tiết đáng chú ý tại phiên xử Châu Thị Thu Nga mới đây, khi hội đồng xét xử tại phiên toà không cho bà này khai về việc được cho là đã chi một số tiền lớn “chạy” để làm đại biểu Quốc hội.

Khi nhận đại biểu nêu chất vấn tại nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khuyến khích Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời rõ ràng để đại biểu và cử tri được biết.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói, phiên sơ thẩm xử Châu Thị Thu Nga là phiên xét xử có tranh tụng. Khi có dư luận báo chí nêu việc hội đồng xét xử không cho bà Nga khai về việc nói trên, “có vẻ giấu giếm và vi phạm tố tụng, thậm chí có báo còn nói là cắt điện 30 giây, tôi ngay lập tức yêu cầu kiểm tra”. 

“Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải trình và cũng đã gặp luật sư Hướng (luật sư bào chữa cho bà Nga – PV). Theo đó, mọi việc trong phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì về kỹ thuật loa đài”, Chánh án khẳng định.

Cũng theo ông, hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu, như: lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của Nga và các đối tượng liên quan.

“Việc chủ tọa dừng không cho khai tiếp vì vụ án này đã được tách ra, và luật cho phép. Thực thế, ta tách án rất nhiều, như ALC II tách làm 6 vụ, vụ Ngân hàng Xây dựng tách làm 3 vụ, vụ Ocean Bank đã xử một phần. Nếu trong phiên tòa xuất hiện tình tiết mới mà xác định không có tách án thì trách nhiệm hội đồng xét xử là phải làm rõ, nhưng đã tách án thì hội đồng xét xử được phép không cần đề cập đến vụ án này nữa. Đây là thông lệ bình thường, không phải gì là quá khác biệt”, ông lý giải.

“Lời khai của bà Nga có trong hồ sơ vụ án, không có gì dấm dúi ở đây cả”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Về lời khai của bà Nga có ghi trong hồ sơ vụ án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng có tiết lộ vắn tắt. 

Theo đó, bà Châu Thị Thu Nga khai chi tiền cho hai mục đích. Một là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử (2/3 số tiền). Hai là chi để giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sỹ giả của bà này, do ở thời điểm bầu cử, nhiều báo chí viết bà Nga không đi học nhưng có bằng tiến sỹ.

Về việc chi cho hội đồng bầu cử địa phương, bà Nga có khai là biết một doanh nhân buôn bán vàng có quan hệ rộng ở Hà Nội nên đã chủ động gặp theo yêu cầu của doanh nhân này và đưa tiền nhiều lần, có lần 100.000 USD, 200.000 USD ở các quán cà phê khác nhau vào nhiều thời điểm khác nhau. Việc đưa chỉ có hai người biết và không có chứng cứ gì. 

Tại biên bản đối chất, doanh nhân này nói có quen biết Nga nhưng không nhận tiền và không biết ai ở Hà Nội, không làm việc “môi giới” đó. 

“Tình huống như vậy, cơ quan điều tra tách vụ án ra là cần thiết và tòa cũng không thể làm rõ tại tòa. Theo chúng tôi biết, cơ quan điều tra đang tích cực,  và nếu bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định được thì chúng ta sẽ có một phiên xét xử công khai khác”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Cũng trong phiên trả lời chất vấn buổi sáng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã nêu bài học rút ra từ vụ án Hà Văn Thắm và lý giải vì sao lại tuyên án treo cho gần 40 trường hợp, dù các thẩm phán có tâm lý tránh tuyên án treo với các vụ án kinh tế, tham nhũng. 

Theo Chánh án, những người được tuyên án treo đều là những người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì, nên tòa đã quyết định mở ra cho họ một con đường. “Tòa đã tuyên rất nghiêm khắc với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, nhưng có phân hóa và rất nhân văn, nhân đạo với những người làm công ăn lương”, ông nói.

Về bài học của vụ án Hà Văn Thắm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đã rút ra 4 bài học. Thứ nhất là đã xác định đúng tội danh sau lần xử sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ và yêu cầu viện kiểm sát truy tố đúng tội danh.

Thứ hai là có tranh tụng trong xét xử, vụ án được công khai, minh bạch. Thứ ba, xét xử có phân hóa – mở đường cho người làm công ăn lương

Thứ tư, hội đồng xét xử đã làm hết chức năng của mình, bên cạnh việc tuyên án rất nghiêm minh, trách nhiệm, cũng đã kiến nghị khởi tố một số vụ án liên quan, xử lý cán bộ và chấn chỉnh hoạt động quản lý kinh tế.