Chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội : Người dân còn băn khoăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại phiên họp thứ 8 diễn ra trong tháng 4 này, dự kiến những yếu kém trong công tác giao thông và giáo dục sẽ được đưa ra mổ xẻ. Tuy nhiên, chủ trương thực hiện và vấn đề “hậu chất vấn” vẫnkhiến dư luận ít nhiều băn khoăn.

Trong điều kiện QH nước ta mỗi năm chỉ họp hai kỳ nên luật pháp đã quy định UBTVQH được thay mặt Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn những người có trách nhiệm về các công việc còn dở dang giữa hai kỳ họp. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đến phiên họp thứ 7 vừa qua UBTVQH mới thực hiện được. Theo đó, đã có vấn đề đại biểu QH hỏi tại kỳ họp QH mà thành viên Chính phủ chưa trả lời được thì ở phiên làm việc của UBTVQH tiếp tục được làm rõ. Theo đà này, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ trở thành quá trình liên tục, cử tri có thể theo dõi các vấn đề QH đặt ra đối với các cơ quan có liên quan, tạo nên một sự tham gia chung của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thế nhưng, cũng như những phiên giám sát tối cao tại QH, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại UBTVQH vừa rồi, điều mà các bộ trưởng ít nói tới nhất là trách nhiệm của mình trong việc giá cả leo thang. Những gì mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày làm một số đại biểu không yên tâm. Bởi cho dù những vấn đề mà họ mang đến nghị trường là bức xúc, là lo lắng, là đời sống đang ngày càng trở nên khó khăn với đa phần cử tri thì Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn tự tin: “Chưa thấy Chính phủ có sai lầm nào trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chính sách thuế nhấp nhổm như thế là phản ứng linh hoạt trước những biến động của tình hình thế giới chứ không phải Chính phủ muốn điều hành thế nào thì điều hành. Kinh tế thế giới suy giảm có tác động đến tất cả các nước nhưng còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế từng nước. Nhanh lắm thì cũng phải đến năm 2009 nước ta mới có thể kiềm chế được lạm phát…”. Những điều này cử tri đã nghe mãi rồi và đều biết cả. Đồng ý rằng, lạm phát, giá tiêu dùng quá cao cũng không phải hoàn toàn do điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành. Hơn nữa sức đề kháng của nền kinh tế nước ta thấp cũng là do tích đọng từ nhiều năm và xuất phát điểm của nền kinh tế thấp. Nhưng điều mà các đại biểu QH, cử tri cần là Chính phủ và các bộ, ngành thẳng thắn phân tích những hạn chế trong điều hành vĩ mô và có chiến lược nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế trong nước chứ không thể cứ để dân phải nhấp nhổm theo diễn biến của nền kinh tế thế giới mãi như hiện nay.

Dư luận cũng cho rằng, trong một ngày, chọn 3 nội dung để chất vấn và trả lời chất vấn là hơi nhiều, nên chưa tranh luận với nhau cho rõ vấn đề được.Do đó, mỗi phiên họp, UBTVQH nên chọn một nội dung để tập trung chất vấn xung quanh vấn đề đó và những vấn đề liên quan. Nếu làm được như thế thì sẽ có điều kiện chất vấn sâu một việc, để đi đến kết luận là Chính phủ làm tốt hay không tốt và cần làm tiếp như thế nào. UBTVQH kết luận và xử lý những vấn đề đó ra sao – tức là “hậu chất vấn” sẽ như thế nào? Theo kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, phải có chế tài cụ thể thì chất vấn mới là động lực thúc đẩy những người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng của ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định về giá trị pháp lý đối với kết luận của UBTVQH hay chủ tọa phiên họp mà chỉ có quy định việc QH hay UBTVQH ra nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn. Để Chính phủ bớt lúng túng trong công tác điều hành, quản lý, cử tri an lòng hơn, hy vọng, UBTVQH sẽ mạnh tay hơn trong việc ra nghị quyết. Bởi nếu như có nghị quyết thì cho dù Thủ tướng và các Phó Thủ tướng không thể tham dự các phiên chất vấn của UBTVQH cũng vẫn nắm được những vấn đề mà UBTVQH đã kết luận để đôn đốc các bộ trưởng tập trung giảiquyết.

Phần lớn người dân khi được phỏng vấn còn mong sẽ được xem truyền hình trực tiếp phiên chất vấn tại phiên họp của UBTVQH để điện thoại hỏi trực tiếp các thắc mắc của cá nhân qua số điện thoại đường dây nóng. Qua đó, người dân hiểu hơn những khó khăn trong điều hành của Chính phủ để cảm thông và yên lòng rằng QH, Chính phủ, cả hệ thống chính trị luôn có trách nhiệm với đời sống của nhân dân.

Nguồn: Báo Hà Nội mới