Châu Âu giảm thuế giá trị gia tăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các Bộ trưởng Tài chính EU cho biết, việc cắt giảm thuế VAT một số mặt hàng, dịch vụ này nằm trong kế hoạch cải cách về luật thế chung của châu Âu, vì thế, nó cho phép các quốc gia thành viên có thể áp dụng mức giảm linh hoạt từ 5-15% đối với các mặt hàng, dịch vụ được cho là “có ảnh hưởng tích cực nhất” đối với nền kinh tế từng nước. Tất nhiên, tuỳ tình hình từng nước mà định ra thời điểm áp dụng việc giảm thuế này. Như vậy, việc giảm thuế trên toàn EU sẽ rất khó áp dụng trước năm 2010, thời điểm mà Uỷ ban châu Âu đưa ra một dự thảo về luật chung châu Âu, trong đó có luật thuế.

Giảm thuế linh hoạt

Việc giảm thuế VAT lần này sẽ được áp dụng rất linh hoạt, tuỳ từng quốc gia. Các lĩnh vực giảm chung bao gồm nhà hàng, xây dựng cơ bản, tân trang bất động sản, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, di chuyển chỗ ở, các dịch vụ liên quan tới xe đạp, giầy dép và các sản phẩm làm từ da, quần áo và các đồ gia dụng làm bằng vải. Ngoài ra, với Bồ Đào Nha thì áp dụng thêm việc giảm thuế cầu đường, với đảo Síp thì giảm thuế đối với vỏ bình gas và gas, còn các quốc gia khác cũng đang chuẩn bị đưa ra danh sách các lĩnh vực cần giảm thuế.

Hiện nay, mức thuế VAT tối thiểu trong ngành dịch vụ nhà hàng đang áp dụng ở EU là 15%. Tuy nhiên, một số quốc gia khác vẫn áp dụng những mức thuế riêng của họ, chẳng hạn như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vì mức thuế của họ được áp dụng ở trước thời điểm họ gia nhập EU. Vì vậy, họ có thể áp dụng giảm thuế trong lĩnh vực nhà hàng ngay tại thời điểm này mà không cần chờ đến thời điểm các quốc gia khác của EU giảm thuế ở lĩnh vực này.

Với nước Pháp thì việc giảm thuế lần này sẽ là lần thứ hai, ngành dịch vụ nhà hàng giảm thuế kể từ năm 2002. Mức thuế cao nhất hiện nay Pháp đang áp dụng trong lĩnh vực này là 19,6%. Còn với 3 nước thành viên EU khác là Hungarie, Latvia và áo thì được phép kéo dài thời gian để “chuẩn bị”, và 5 nước còn lại là Đan Mạch, Đức, Bungarie, Estonia và Lithuania thì cho rằng, họ gần như bị “bắt buộc” phải thực hiện đối với chính sách giảm thuế này. Họ hy vọng, thời gian tới, EU sẽ có những biện pháp khác tốt hơn để kích cầu, vực dậy nền kinh tế hơn là giảm thuế.

Giảm thuế, giảm hàng tỷ euro

Trong khi ngân sách của Pháp vừa phải chi ra một khối lượng tiền khổng lồ để kích thích nền kinh tế, giúp nước này chống đỡ với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì việc giảm thuế chung lần này của EU sẽ khiến chính phủ Pháp gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Ngân sách Pháp Eric Woerth, chỉ tính riêng trong lĩnh vực nhà hàng, nếu giảm thuế thì chính phủ Pháp sẽ thất thu khoảng 1 tỷ euro tiền thuế mỗi năm. Nếu những lĩnh vực khác cũng phải giảm thuế theo, thì khoản thất thu sẽ là rất lớn. Còn như Bộ trưởng Tài chính Đức và Đan Mạch thì cho rằng, kế hoạch giảm thuế VAT của Uỷ ban châu Âu chưa chắc đã là chính sách hay trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay.

Vì vậy, rất cần EU xem xét lại toàn bộ kế hoạch chấn hưng nền kinh tế của mình, để đưa ra những chính sách phù hợp nhất với tất cả các quốc gia thành viên, như thế mới phục hồi được nền kinh tế chung EU và không gây ra những mối chia rẽ sâu sắc trong nội bộ của EU.

Theo AFP, Reuters