Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 có thể tăng 1%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo các chuyên gia của tổ điều hành thị trường trong nước, lạm phát sau 10 tháng đã ở mức 5,07%, tính bình quân sau 1 năm ở mức 6,91% – thấp xa so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vàng hiện tăng khá cao (48,72%) trong nhiều thời điểm còn cao hơn giá vàng thế giới. Giá USD tăng cao hơn năm trước, trong khi giá USD trên thế giới giảm mạnh, nên ngoài yếu tố lượng ngoại tệ vào VN sụt giảm từ các nguồn, thì tình trạng găm giữ ngoại tệ đã làm thị trường vàng, ngoại tệ nóng lên.

Xuất khẩu vẫn sụt giảm và khả năng cả năm sẽ giảm ở mức hai chữ số do gặp khó khăn về thị trường, giá cả, hàng rào kỹ thuật, về nguồn hàng. Nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng, có thể lên đến trên dưới 12 tỉ USD cả năm. Tuy mức nhập siêu thấp hơn năm trước, nhưng sẽ tác động lớn đến cán cân thanh toán tổng thể, tạo sức ép lên tỉ giá. Đây sẽ là lĩnh vực gặp khó khăn trong năm 2009 và có thể còn kéo dài đến những năm sau.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 11.2009 đạt 114.014 tỉ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước, đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 11 tháng đầu năm 2009 ước đạt 1.075.266 tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng vẫn trên 10%). Như vậy, tổng mức bán lẻ có xu hướng tăng mạnh trong tháng 10 và 11 (đều tăng trên 5%). Đây là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thể hiện rõ tác động và hiệu quả của các chương trình kích cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, dự kiến năm 2009, tổng mức bán lẻ có thể đạt gần 1.200.000 tỉ đồng, tăng khoảng 19% so với năm 2008.

Theo dự báo của tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 12 sẽ có nhiều yếu tố tiếp tục ảnh hưởng tới xu hướng tăng giá hàng hoá dịch vụ, gồm: Giá cả hàng hoá thế giới tiếp tục tăng ở mức cao cùng với việc điều chỉnh tỉ giá USD/VND sẽ tác động tới nhiều loại hàng hoá nhập khẩu hoặc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu; tác động của tăng giá xăng dầu cuối tháng 11 sẽ làm “đội giá” cước vận tải, vận chuyển và các hàng hoá khác; lãi suất cơ bản tăng từ 7 lên 8% áp dụng từ 1.12 sẽ tác động tới lãi suất huy động và cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn của DN; giá lương thực vẫn trong xu hướng tăng; sức mua trên thị trường sẽ tăng cao theo quy luật thông thường các năm và do nhu cầu mua hàng hoá dự trữ và phục vụ Tết.
 
Nhưng với sự điều hành của Chính phủ và hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn việc lạm dụng tăng giá quá mức, bất hợp lý, với nguồn cung nhiều loại hàng hoá trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các hoạt động khuyến mãi, giảm giá trên cả nước, mức tăng giá hàng hoá vẫn trong khả năng kiểm soát. Vì thế, chỉ số tăng giá tiêu cùng cả năm có khả năng khống chế trong khoảng 6%.

Công Thắng
Nguồn: Báo Điện tử Lao động