Chia nhỏ EVN để giá điện cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là một trong những nội dung trong văn bản vừa được Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ…

Giá điện thiếu minh bạch

Theo VEA, thời gian qua giá điện qua các kỳ điều chỉnh vẫn mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, thiếu minh bạch nên khó thuyết phục sự đồng thuận của nhân dân. Đặc biệt, VEA khẳng định Tập đoàn Điện lực VN (EVN) độc quyền và việc điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý tăng giá mà chưa quan tâm đến việc giảm giá, trong khi đang có các yếu tố kéo giảm giá thành như các nhà máy thủy điện tăng công suất trong mùa mưa, tổn thất giảm…

Năm 2012, giá điện vừa tăng, theo giải thích của Bộ Công thương, là giá điện đang dần tiến tới cơ chế thị trường, giá lên xuống theo giá thành đầu vào. Nhưng theo lộ trình, từ năm 2005-2015, thị trường mới được tổ chức theo hướng thị trường phát điện cạnh tranh, từ năm 2015-2022 mới vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh và sau năm 2022 mới vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Như vậy, phải đến năm 2022 người dân mới được quyền chọn nhà cung cấp điện cho mình tùy chất lượng và giá cả. Theo VEA, lộ trình thị trường hóa ngành điện tới 17 năm (từ năm 2005-2022) như Bộ Công thương đang thực hiện là quá lâu. Theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới cũng như đòi hỏi của nền kinh tế, của nhân dân, VEA kiên quyết đề nghị cần sớm xóa bỏ sự độc quyền trong ngành điện, “không nên kéo dài thêm nữa”.

Không để EVN “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi – chủ tịch VEA – cho biết hiện đang có khoảng 300 nhà đầu tư vào điện, gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư thủy điện nhỏ… Tuy nhiên, chỉ một mình EVN giữ toàn bộ các khâu: Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Truyền tải điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, năm tổng công ty điện miền và chỉ đạo 62 công ty điện lực tỉnh… Năm 2012, khi đã thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, thành lập ba tổng công ty phát điện để tăng cạnh tranh, nhưng Bộ Công thương lại vẫn đề nghị… các tổng công ty này nằm trong EVN.

Theo ông Trần Viết Ngãi, điều này không ổn, khó cho cạnh tranh. Trong văn bản kiến nghị, VEA đề xuất cần tách Công ty Mua bán điện ra khỏi EVN, đưa về trực thuộc Bộ Tài chính hoặc Bộ Công thương. Đồng thời không nên để độc quyền một công ty mua điện, mà nên thành lập ba tổng công ty mua bán điện ở ba miền.

Ngoài ra, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) – đơn vị được quyền quyết huy động nhà máy nào, thời gian bao nhiêu, giờ nào… – cũng phải tách ra khỏi EVN để đảm bảo khách quan. Nếu để Ao trong EVN, theo ông Ngãi, rất dễ sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, rất khó cho cạnh tranh sòng phẳng. Mà chỉ có cạnh tranh thật sự mới có giá điện thực cạnh tranh, mới có cơ hội giảm giá. Từng là phó tổng giám đốc EVN, nhưng ông Ngãi cho biết: “Không hiểu tường tận tại sao lại lỗ” như EVN kêu.

Nếu tách các tổng công ty ra khỏi EVN, theo VEA, chỉ cần hai bước: thị trường phát điện cạnh tranh và bán buôn; thị trường bán lẻ cạnh tranh. Nghĩa là ngay từ bây giờ, khi tách bạch được khâu sản xuất, điện sẽ được bán cho các công ty mua bán điện ngay, và công ty này tổ chức bán buôn. Như vậy, chỉ năm năm nữa, tức năm 2017, VN hoàn toàn có thể có thị trường bán lẻ cạnh tranh. VEA khẳng định gần 300 nhà đầu tư điện đang mong chờ có một thị trường phát điện cạnh tranh lành mạnh thật sự.

Cần có nhiều công ty điện mạnh

Ông Trần Viết Ngãi cũng khẳng định quan điểm cho rằng nếu tách các tổng công ty như truyền tải, phát điện… ra khỏi EVN sẽ khiến các công ty này không đủ vốn để đầu tư, khiến tê liệt khả năng phát điện, mất an ninh năng lượng… chỉ là biện hộ. Bởi hiện nay EVN đang kêu lỗ, bản thân EVN lại là con nợ rất lớn, cũng không giúp gì được nhiều cho các tổng công ty trên.

Vì vậy, tách ra thật sự sẽ tốt hơn cho bản thân các tổng công ty đó vì có “mẹ” là EVN nợ nần, các tổng công ty có muốn đầu tư cũng khó, vay vốn càng khó. Nếu các công ty này về Bộ Công thương, cũng với cơ chế bảo lãnh vay như hiện nay, thay vì chỉ có một EVN đầu tư, sẽ có ít nhất ba tổng công ty đầu tư nhà máy điện cùng các nhà đầu tư ngoài EVN khác. Như vậy, vừa đảm bảo cạnh tranh trong khâu phát điện, vừa giúp giảm gánh nặng nợ nần và đầu tư cho EVN.

Trước mắt, theo ông Trần Viết Ngãi, nếu vận hành theo đề án của VEA, EVN sẽ vẫn nắm các công ty thủy điện và năm tổng công ty điện lực miền, 62 tổng công ty điện lực tỉnh… để có nguồn lực.

Khi tiến hành bán lẻ cạnh tranh vào năm 2017, theo ông Ngãi, các công ty mua bán điện sẽ bán điện thẳng cho các tổng công ty điện lực miền và không cần khâu trung gian là EVN nữa. Như vậy, thay vì một EVN mạnh, đất nước đã có nhiều công ty điện lực mạnh…

Không để lợi ích nhóm chi phối

Ông Trần Viết Ngãi nhận định việc dây dưa, kéo dài việc hình thành thị trường điện cạnh tranh không loại trừ lợi ích nhóm và có yếu tố… tâm lý: ngại nếu làm kiên quyết sẽ đi ngược chủ trương tạo tập đoàn mạnh. Tuy nhiên, theo ông Ngãi, nếu theo lộ trình hiện nay rất khó cho cạnh tranh và chưa thật sự đem lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

“Vì lợi ích chung, cần kiên quyết tái cơ cấu ngành điện với tinh thần quyết liệt như làm đường dây 500kV để người dân sớm được hưởng giá điện thật sự tốt, cạnh tranh” – ông Ngãi nói.

CẦM VĂN KÌNH
Nguồn: http://tuoitre.vn/Kinh-te/501491/Chia-nho-EVN-de-gia-dien-canh-tranh.html