Chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn về việc sửa đổi Luật Báo chí.
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo hoạt động, đặc biệt là việc tiếp cận với những thông tin xác thực đang được dư luận rất quan tâm. Thưa Thứ trưởng, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này có giải quyết được những bức xúc đó?

Luật Báo chí không chỉ dành cho nhà báo mà là cho mọi đối tượng. Bởi, mục đích của Luật là bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi chủ thể hoạt động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Việc cung cấp thông tin cho báo chí có 2 yếu tố: Nghĩa vụ phải cung cấp thông tin và Quyền được hoặc từ chối cung cấp thông tin. Khi có nghĩa vụ thì người cung cấp thông tin lại có quyền được pháp luật bảo hộ bởi những thông tin đã cung cấp, ngược lại, khi có quyền thì người cung cấp lại phải có nghĩa vụ bảo đảm tính xác thực của thông tin.

Trong việc cung cấp thông tin, theo tôi các quy định trước đây không phải là thiếu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh cụ thể thay đổi nên các quy định của pháp luật cũng phải thay đổi theo. Mặt khác, nếu chúng ta có luật “hay” nhưng việc tuyên truyền và nhận thức về luật đó lại không đầy đủ thì việc thực thi cũng không hiệu quả. Đôi khi, đối với những vấn đề của lĩnh vực khác thì báo chí tuyên truyền rất tốt, nhưng ngay trong những vấn đề của chính mình thì các cơ quan báo chí lại bỏ quên.

Vậy đó có phải là nguyên nhân của tình trạng sai phạm trong việc đưa thông tin sai của một số cơ quan báo chí vừa qua?

Hiện nay, chưa có một đánh giá đầy đủ về việc cung cấp thông tin không chính xác nhưng rõ ràng là đã có những trường hợp xảy ra. Đôi khi, có những trường hợp tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai nhưng vì nhiều lý do, có thể là không hiểu rõ quyền của mình trong luật, có thể là ngại cơ quan báo chí nên không kiện ra tòa. Nhưng cũng đã có không ít trường hợp cá nhân, tổ chức kiện cơ quan báo chí một cách đúng luật và đều đã được bảo vệ. Với một hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác, dù hình phạt rất nặng nhưng nó chỉ tác động tới những người ở trong nội bộ phòng xử án, thì đối với một hành vi vi phạm của người làm báo, tác động tới xã hội rất lớn. Cũng có những trường hợp do chưa ý thức pháp lý đầy đủ, chưa hiểu được những tác động của thông tin nên vô tình vi phạm pháp luật.

Trong dự thảo luật có sự tách bạch giữa người đứng đầu cơ quan báo chí và tổng biên tập. Vậy xin Thứ trưởng cho biết chức danh của người đứng đầu cơ quan báo chí nên được hiểu như thế nào?

Trước đây, ở mỗi cơ quan báo chí thường chỉ tổ chức thực hiện một loại hình báo chí thì nay đã tồn tại một số loại hình báo chí trong một cơ quan báo chí. Ngay trong một loại hình báo chí lại có rất nhiều ấn phẩm mà mỗi ấn phẩm lại có một vị trí độc lập, có ban biên tập riêng, có tôn chỉ mục đích tương đối độc lập. Vì thế, nếu chỉ một người tổng biên tập phải chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung của các loại hình báo chí, các loại ấn phẩm thì không thể được. Người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ bao quát toàn bộ cơ quan báo chí, còn tổng biên tập mỗi bộ phận lại có một vị trí, trách nhiệm độc lập về nội dung, ấn phẩm, chương trình mà mình phụ trách.

Mặt khác, cũng có một thực tế là trong một cơ quan báo chí có những phó tổng biên tập, phó tổng giám đốc không chịu trách nhiệm về nội dung mà chỉ về hành chính trị sự, phát hành… Song khi ấn phẩm hoặc chương trình có “vấn đề” về nội dung lại vẫn bị liên đới chịu trách nhiệm là hoàn toàn không phù hợp.

Quy định này sẽ làm cho công việc và trách nhiệm được gắn với nhau đúng và chặt chẽ hơn. Theo kinh nghiệm quốc tế, một cơ quan báo chí có những người đứng đầu từng lĩnh vực riêng như: nhân sự, tài chính, nội dung…

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có đề cập đến việc liên kết trong hoạt động báo chí. Vậy sự liên kết đó sẽ mở rộng đến đâu?

Một tờ báo muốn phát triển mạnh thì cần phải có những bộ phận chuyên nghiệp. Ví dụ, về vấn đề phát hành, cơ quan báo chí làm sao có thể làm tốt bằng công ty phát hành. Về quảng cáo là một nguồn thu của cơ quan báo chí nhưng không thể để nhà báo vừa đi viết bài, vừa làm quảng cáo vì như vậy đôi khi sẽ làm cho thông tin trong bài báo bị méo mó. Hoặc về ý tưởng thiết kế mới sẽ chỉ làm cho tờ báo đẹp thêm mà không làm sai lệch nội dung, tôn chỉ mục đích của tờ báo. Vì vậy, nên để những đối tác khác, kể cả tư nhân thực hiện những khâu này. Những game show truyền hình vẫn do tư nhân thực hiện là phù hợp.

Xuất phát từ thực tế trên, việc tham gia của tư nhân vào một số khâu của lĩnh vực báo chí cần phải chính thức hóa bằng pháp luật, tránh sự nhập nhèm núp bóng dưới hình thức này, hình thức khác. Như vậy, khi đã được pháp luật thừa nhận nghĩa là đối tác liên kết được chính danh, được pháp luật bảo vệ và sẽ tạo thuận lợi hơn cho đối tác tư nhân trong quá trình hoạt động.

Nhưng liên kết báo chí dù ở mức độ änào thì người đứng đầu cơ quan báo chí vẫn phải chịu trách nhiệm nên các tổ chức, cá nhân chỉ được tham gia một số khâu nhất định. Luật sẽ quy định trong tất cả các khâu để hình thành một sản phẩm báo chí thì công đoạn nào cơ quan Nhà nước cần phải nắm, ví dụ về nội dung.

Trong việc liên kết này sẽ không có chuyện “kinh tế” lấn át “nội dung” bởi những cơ quan báo chí nào nếu đã vốn dĩ không quan tâm đến chất lượng nội dung thì cho dù có liên kết hay không vẫn cứ kém, và với những cơ quan báo chí đã yếu thì nên loại ra khỏi hệ thống. Vì thế, người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ phải xem xét nên liên kết hay không và liên kết ở mức độ nào.

Một vấn đề thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp là liệu họ có được thành lập cơ quan báo chí, xin Thứ trưởng cho biết thêm thông tin?

Việc quy định các đối tượng có quyền thành lập cơ quan báo chí không phải chỉ bó gọn trong đối tượng là các doanh nghiệp.  Trên thực tế, có những tổ chức, thuộc đối tượng được quền thành lập cơ quan báo chí theo Luật Báo chí hiện hành nhưng không đủ tiềm lực về kinh tế, con người… Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế lớn có đầy đủ tiềm lực, có nhu cầu thì lại không được thành lập cơ quan báo chí. Do vậy, dự thảo Luật có ghi là: “Các tổ chức khác do Chính phủ quy định”. Luật chỉ quy định khung như vậy, còn các trường hợp cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định và các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: ICTnews