Chính sách viện phí mới: Người bệnh hưởng lợi gì?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lương bác sỹ tính vào viện phí

Theo dự thảo Nghị định chính sách viện phí mới, trong đó sẽ tính và thu các chi phí về tiền lương, tiền công phụ cấp và các khoản đóng góp theo chế độ để trả cho cán bộ, nhân viên y tế. Mức tính này cũng sẽ được phân theo nhiều mức khác nhau.

Cụ thể, các cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý và các cơ sở y tế ở các thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ dùng một phần viện phí để trả 100% lương cho cán bộ y tế. Với các cơ sở y tế tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tuyến quận, huyện của các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ dùng một phần viện phí để trả từ 50 – 100% lương cho cán bộ y tế.

Các cơ sở y tế tuyến huyện của các tỉnh còn lại tỷ lệ này là từ 20 – 50%. Ngoài ra,  một phần viện phí sẽ dùng để trả các chi phí khấu hao các trang thiết bị máy móc trực tiếp thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phục vụ quá trình khám chữa bệnh, theo một tỷ lệ tương tự như với thu phí trả lương cho cán bộ y tế.

Ông Nguyễn Khánh – nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, tính tiền lương của cán bộ y tế vào viện phí thực chất chính là bệnh nhân phải trả lương cho cán bộ y tế. Một khi bệnh nhân phải trả lương cho cán bộ y tế thì rất có thể sẽ làm nảy sinh hơn nữa các vấn đề đụng chạm đến y đức của cán bộ y tế.

Do đó, Nhà nước nên trả toàn bộ tiền lương cho cán bộ y tế, đồng thời phải tăng hơn nữa đầu tư ngân sách cho y tế, đó mới là giải pháp cần thiết nhất để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ông Nguyễn Khánh lấy dẫn chứng, theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), nguồn ngân sách chi cho y tế ở các quốc gia phải đạt 50% tổng chi của người dân cho y tế thì mới đảm bảo chất lượng y tế và công bằng xã hội. Nếu tỷ lệ này dưới 50% là mất công bằng xã hội. Trong khi đó, ở nước ta tỷ lệ này mới chỉ đạt 30%.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Khánh, ông Trần Hữu Thăng – Phó Chủ tịch Tổng hội Y dược học Việt Nam cho rằng: Nên có mục bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện toàn dân trong Nghị định này, để BHYT trực tiếp trả lương cho bác sĩ, tránh việc gặp nhau giữa người bệnh và bác sĩ về tài chính. Theo ông Thăng thì đó mới chính là “chìa khóa vàng để giải quyết các vấn đề thu nhập của cán bộ y tế” cũng như công bằng cho nhân dân.

Giải pháp tình thế

Đặt vấn đề này với ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), ông Liên cho biết: đây chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện đang triển khai BHYT toàn dân. Thực ra, dự thảo ban đầu của chính sách này không tính lương vào viện phí nhưng do chính sách cải cách tiền lương của Nhà nước nên viện phí phải tính đúng, tính đủ mới đảm bảo được quỹ lương cho ngân sách Nhà nước.

Do đó, cần thiết phải tính tiền lương trả cho cán bộ, nhân viên y tế trong viện phí. Ông Nguyễn Nam Liên phân tích thêm, chính sách này sẽ làm tăng thu nhập của cán bộ y tế trong các cơ sở y tế công lập, tạo động lực khuyến khích và thu hút được các chuyên gia, thầy thuốc giỏi vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra trong ngành y tế.

Một câu hỏi được đặt ra là với việc tính cả lương, cả khấu hao tài sản cố định… vào viện phí như vậy thì viện phí có tăng lên và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người dân? Bà Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận chính sách viện phí mới sẽ làm ảnh hưởng đến một bộ phận dân số (khoảng 28%), nhưng chủ yếu là đối tượng có mức thu nhập từ  trung bình khá trở lên và mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Còn lại, 72% dân số Việt Nam (gồm người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người làm công ăn lương…) về cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng vì các đối tượng này đã được Nhà nước đảm bảo mua thẻ BHYT.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng nhấn mạnh, chính sách viện phí mới là một giải pháp cần thiết để nhằm thực hiện tính công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trong thời buổi lạm phát đang tăng lên, giá cả thị trường leo thang đến chóng mặt như hiện nay, gần 30% dân số sẽ bị ảnh hưởng kinh tế do viện phí chắc chắn sẽ tăng lên, điều đó liệu đã công bằng?

Chính sách viện phí là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống của 86 triệu nhân dân Việt Nam nên mọi người đều mong muốn Bộ Y tế sẽ thận trọng tiếp thu các ý kiến của nhân dân, của các chuyên gia để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô