Chính phủ sẽ chỉ đạo điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo lộ trình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp lớn về tài chính và thu-chi NSNN

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Tài chính vừa là ngành tham mưu, vừa là nòng cốt giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành các vấn đề và giải pháp liên quan đến tài chính, giá cả. Để thực hiện thành công nhiệm vụ tài chính và thu chi NSNN năm 2008, ngành tài chính nói chung, Bộ Tài chính nói riêng phải tận dụng tất cả các thời cơ thuận lợi để phát triển tiềm lực tài chính quốc gia, đổi mới cơ cấu chi NSNN để tập trung đầu tư cho hạ tầng KT-XH, đồng thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kiềm chế giá cả, giữ ổn định cán cân thanh toán, phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường ổn định, bền vững.

Về nhóm giải pháp kiềm chế tăng giá, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành sử dụng linh hoạt các biện pháp tài chính, góp phần giảm chi phí và tăng cung ứng hàng hóa cho thị trường như giảm thuế nhập khẩu đối với đường ăn, vàng, xăng dầu, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thông quan trong ngày đối với lương thực, thực phẩm và hàng thiếu yếu nhập khẩu.

“Từ năm 2008, Chính phủ không bù lỗ giá dầu (ước tính khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm) để đầu tư vào an sinh xã hội, dành những ưu đãi cho người nghèo, vùng nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”, Thủ tướng cho biết. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện theo lộ trình việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, giá cước xe buýt, hàng không, đường sắt…

Về nhóm giải pháp thuộc chính sách tài chính, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giữ mức bội chi NSNN theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, tín phiếu, đồng thời đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm huy động vốn và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ cũng cần nhanh chóng tháo gỡ những ách tắc, thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng với các Bộ, ngành triển khai có hiệu quả Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ; nếu phát hiện ra trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm, kịp thời, thu hồi các các khoản nợ đọng thuế.

Thủ tướng giao các Bộ, ngành và địa phương rà soát, kiểm tra và tổ chức thực hiện các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Pháp lệnh về phí, lệ phí; đình chỉ và bãi bỏ ngay các khoản phí, lệ phí không có tên trong danh mục. Việc thực hiện miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất trong hạn mức đất được giao cho nông dân cũng sẽ được thực hiện bắt đầu từ năm 2008.

Năm 2008, phấn đấu thu NSNN 323 nghìn tỷ đồng

Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra chỉ tiêu dự toán thu NSNN năm 2008 là 323 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so ước thực hiện năm 2007.

Để thực hiện triển khai tốt nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính đã đề ra 5 nhóm giải pháp lớn, bao gồm: Triển khai nhanh chi đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công lập, thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực cho phát triển các sự nghiệp xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính liên quan đến đất đai và tích cực tham gia sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Về vấn đề tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, năm 2008, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ khoảng 37 nghìn tỷ đồng để đầu tư các công trình về giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường, lớp học và đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viên tuyến huyện. Hiện nay, Bộ đã có công văn đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ sử dụng vốn ngay từ đầu năm, tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Bộ Tài chính cũng đang tiến dần tới cơ chế thị trường trong quản lý giá. Nhiều mặt hàng đã thực hiện lộ trình điều chỉnh giá ngay trong năm 2007 như điện cho các hộ tiêu dùng lớn, than cho sản xuất giấy, phân bón, xi măng; bước đầu đã trao quyền tự quyết định giá xăng theo cơ chế thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không bù lỗ kinh doanh mặt hàng xăng và giảm bao cấp của NSNN thông qua điều chỉnh giá bán dầu.

Nguồn: Website Chính phủ