Cho phép nhập khẩu 50.000 tấn muối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Thông tư số 45/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2011 là 102.000 tấn (gồm 100.000 tấn muối công nghiệp cho sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho sản xuất thuốc, sản phẩm y tế).

Nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối phục vụ sản xuất hóa chất làm 2 đợt (đợt 1 đã phân giao 50.000 tấn vào đầu năm 2011 và đợt 2 phân giao 50.000 tấn còn lại sau khi các bộ trao đổi về sản lượng, chất lượng muối của năm 2011).

Theo nguyên tắc trên, ngày 6/6, Bộ Công Thương đã có công văn trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản lượng, chất lượng muối năm 2011 để tiến hành phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất. Tại văn bản trả lời ngày 14/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sản lượng muối sản xuất trong nước năm 2011 dự kiến khoảng 800.000 tấn (giảm khoảng 200.000 tấn so với dự báo cuối năm 2010), tồn kho muối khoảng 235.000 tấn, bằng 51% so với cùng kỳ năm 2010.

Do lượng muối tồn kho trong diêm dân và một số doanh nghiệp còn tương đối lớn và tháng 6, tháng 7 là những tháng cao điểm của sản xuất muối ở phía Bắc và miền Trung, để tạo điều kiện cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá cả hợp lý, góp phần giảm bớt khó khăn cho diêm dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị chưa phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2, ít nhất là trong tháng 6 và tháng 7.

Ngày 13/7, để giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho sản xuất hoá chất, đồng thời bảo đảm việc hỗ trợ tiêu thụ muối cho diêm dân, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mời một số doanh nghiệp sản xuất muối và 3 doanh nghiệp sử dụng muối công nghiệp để sản xuất hóa chất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất muối đã không đến dự.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất đã phản ánh tình trạng không mua được muối trong nước có chất lượng phù hợp mặc dù đã liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất muối, đã gửi công văn đề nghị nhưng các doanh nghiệp này hoặc không trả lời hoặc trả lời không có khả năng cung cấp muối theo yêu cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương xem xét phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 để bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất theo kế hoạch.

Trước tình hình trên, cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Đoàn công tác gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng của 2 Bộ đã làm việc trực tiếp với các đơn vị sản xuất muối công nghiệp tại khu vực miền Trung và các đơn vị có nhu cầu dùng muối công nghiệp phục vụ sản xuất hoá chất.
 
Căn cứ kết quả làm việc của Đoàn công tác, ngày 15/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn trả lời Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ: “Các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp trong nước có thể sản xuất muối đạt chất lượng theo yêu cầu của ngành hoá chất. Tuy nhiên, hiện nay đã vào cuối vụ sản xuất muối năm 2011 nên các doanh nghiệp muối công nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng của các doanh nghiệp sản xuất hoá chất và đã có kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành khác”.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại của năm 2011 (50.000 tấn) cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu sản xuất hoá chất.

Trên cơ sở này, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đang tổng hợp  báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại để phục vụ sản xuất hóa chất trên nguyên tắc phân giao đúng đối tượng là các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng muối cho sản xuất hóa chất, không được phép trao đổi kinh doanh thương mại và sử dụng cho các mục đích khác.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam