Chống lạm phát: Thắt chặt tiền tệ là đã đủ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một chuyên gia nói, để chống lạm phát có hiệu quả, bên cạnh giải pháp tiền tệ, trong đầu tư công, nên giảm những dự án chưa cần thiết và tránh thất thoát, lãng phí…

Ngân hàng Nhà nước… “ra quân”, ngân hàng thương mại gặp khó!

Mấy ngày gần đây, thị trường ngân hàng đứng trước một biến cố hiếm thấy: hàng loạt ngân hàng thương mại như Techcombank, ABBank, SHB, Southernbank… bước vào cuộc đua lãi suất huy động vốn.

Trong khi các ngân hàng khác chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 9,6%/năm thì VPBank đã đón đầu tăng lãi suất huy động lên mức kỷ lục: 10,5% đối với kỳ hạn 12 tháng.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Sở dĩ VPbank buộc phải nâng lãi suất huy động phần lớn các kỳ hạn từ 0,6%/năm – 1%/năm là do chúng tôi dự đoán chỉ trong một vài tuần tới, mặt bằng lãi suất sẽ được thiết lập ở mức như chúng tôi ấn định hiện nay và VPBank buộc phải đi trước một bước”.

Trước đó, chiều 16/2/2008, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với gần 10 ngân hàng thương mại khu vực phía Bắc để tìm hiểu nguyên nhân khan hiếm tiền đồng và câu trả lời nhận được ở họ là “đang bận họp để “xoay” tiền!”.

Ông Vũ Đức Nhuận, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải (Maritimebank) cho biết: “Trong lúc này tình hình rất căng thẳng, các ngân hàng thương mại đang nhốn nháo đi tìm vốn và việc huy động vốn ở Maritimebank diễn ra không hề dễ dàng. Do thiếu tiền mặt, nên dù chưa phải dừng cho vay nhưng đối với một số dự án, Maritimebank phải hạn chế cho vay khách hàng mới, chỉ tập trung vào một số khách hàng truyền thống”.

Còn ông Đặng Trung Dũng, Phó tổng giám đốc SHB nói: “SHB chưa đến mức dừng cho vay như một số ngân hàng thương mại khác nhưng tình trạng chung trên thị trường ngân hàng là thiếu tiền mặt VND”. Trên thực tế, một số ngân hàng thương mại đã dừng hẳn cho vay. Sự việc căng thẳng đến nỗi, để đấu giá chỉ 100 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đã bị đẩy lên mức 30%/năm!

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, nguyên một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đó là hệ quả của hàng loạt yếu tố bất thường trên thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây và chủ yếu xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm đối phó với lạm phát đang phi mã.

Theo ông này, các động thái trên gồm: Quyết định 187/2008/QĐ – Ngân hàng Nhà nước, điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11% đối với tiền gửi nội tệ và ngoại tệ không kỳ hạn và dưới 12 tháng.

Với quyết định này, sẽ có khoảng 70 nghìn tỷ đồng bị “giam” vào trong kho; ngày 1/2/2008, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt hơn cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán bằng Quyết định 03/QĐ/NHNN, Quyết định 306/QĐ – NHNN điều chỉnh tăng thêm 1%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn và 1, 5%/năm đối với lãi suất tái chiết khấu và ngày 13/2/2008, Ngân hàng Nhà nước tung ra Quyết định số 346/QĐ – NHNN bán tín phiếu bắt buộc nhằm thu về 20.300 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng S. phân tích thêm: “Ngoài nguyên nhân từ chính sách điều hành, còn có các nguyên nhân khác như thị trường vàng, bất động sản đang sốt, chứng khoán tụt dốc (và đó là thời điểm tốt để mua vào)… đã chia sẻ bớt dòng vốn chảy vào ngân hàng thương mại. Chưa kể, năm 2007, tăng trưởng dư nợ tín dụng quá nóng đã để lại sự hụt hẫng khá lớn về tiền đồng đối với các ngân hàng thương mại”.

Đừng xem nhẹ chỉ số ICOR!

Khi được hỏi bình luận gì về việc Ngân hàng Nhà nước thi hành một loạt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, Tổng giám đốc Ngân hàng M. (đề nghị giấu tên) dè dặt: “Lý do để Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ là do lạm phát nhưng lý do đó đã đầy đủ và hợp lý chưa lại là chuyện khác. Trong cùng thời điểm, nếu sử dụng nhiều biện pháp đột ngột, gây sốc sẽ vô cùng nguy hiểm, bởi không cẩn thận, một số ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán”.

Nguyên một lãnh cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm: “Khi nói tới lạm phát, mọi người vẫn hay nhắc tới yếu tố tiền tệ mà xem nhẹ vấn đề đầu tư, trong đó có đầu tư công. Theo tôi, yếu tố này chiếm tới 30% nguyên nhân gây ra lạm phát, yếu tố tiền tệ chiếm 40% và 30% còn lại do giá nguyên vật liệu thế giới!”.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2007, khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế là 461,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% GDP, trong đó khu vực Nhà nước chiếm 200 nghìn tỷ đồng và phần còn lại của khu vực ngoài Nhà nước và FDI.

Còn tính toán của các nhà kinh tế Đại học Havard cho thấy: năm 2007, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước tính tăng 8,48% so với năm 2006 và chỉ số ICOR của Việt Nam trong năm nay là: 40,4 : 8,48 = 4, 76/1. Điều này được hiểu là tăng vốn đầu tư 4,76% thì chỉ tăng được 1% GDP, thấp xa so với Đài Loan khi họ chỉ đầu tư vốn ở mức 20% GDP nhưng tăng trưởng lại ở mức 9 – 10%, chỉ số ICOR đạt từ 2 – 2,5/1.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu thị trường giá cả nói: “Thông thường, chỉ số ICOR của các nước chỉ 2 – 3/1, chỉ số ICOR Việt Nam xấp xỉ 5 là quá cao và là sự cảnh báo về tăng trưởng thiếu bền vững do thất thoát và lãng phí”.

Vậy, chỉ số ICOR thì có liên quan gì đến lạm phát?

Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số ICOR càng cao thì sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư cũng lớn tương ứng. Nhiều năm gần đây, tại các diễn đàn kinh tế chính trị, khá nhiều con số thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được nêu ra mặc dù Tổng cục Thống kê chưa bao giờ công bố con số này.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ trên ước khoảng 30% tổng vốn đầu tư. Giả định rằng, con số đó là thực tế thì số tiền thất thoát, lãng phí trong đầu tư công của 2007 lên tới 60 nghìn tỷ đồng! Chưa kể khu vực đầu tư ngoài quốc doanh.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần rà soát lại các dự án công, kiên quyết dừng đầu tư những dự án có tính khả thi thấp, đồng thời kiểm soát chặt tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

Đó là cách tốt nhất, góp phần hạ chỉ số ICOR xuống. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững mà tự thân nó còn góp phần chống lạm phát một cách hiệu quả, thay vì chỉ ngóng vào các biện pháp “bơm”, “hút”, “thắt”… trong cung tiền của Ngân hàng Nhà nước và hậu quả là dồn mọi khó khăn lên ngân hàng thương mại và doanh nghiệp vay vốn!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam