Chưa có hệ thống kiểm soát rủi ro cho thị trường vốn Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công khai, minh bạch là yêu cầu đầu tiên mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước về thị trường vốn. Theo quy định của Luật Chứng khoán, tất cả các công ty chứng khoán, các công ty niêm yết chứng khoán trên thị trường đều phải công khai minh bạch thông tin, phải được kiểm toán nghiêm túc, đồng thời phải tăng cường kiểm soát việc bán khống trên thị trường.

Hiện nay, việc bán cổ phần khống, bán quyền mua cổ phần, bán năm công tác… khá phổ biến trên thị trường tự do, những hoạt động này là không hợp pháp. Tuy nhiên, theo Ông Phạm Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, người dân do thói quen, do tâm lý bầy đàn, do ham lời nên họ vẫn mua bán như thế trên thị trường tự do, các cơ quan quản lý rất khó kiểm soát.

Sẽ xử lý hoạt động mua bán khống

Các đương sự có hoạt động mua bán khống, nếu bị phát hiện hoặc nhân dân tố cáo lên các cơ quan chức năng sẽ bị xử lý. Nhưng rất tiếc là chưa có ai chỉ ra các đối tượng này. Các hoạt động mua bán chỉ diễn ra với những người trong cuộc, họ có quyền lợi liên quan mật thiết với nhau nên không ai dại gì nói ra ngoài. Chúng tôi xin lưu ý là việc mua bán khống chỉ diễn ra giữa các cá nhân với nhau, còn đối với các doanh nghiệp sẽ không thể bán khống được.

Hiện nay có khá nhiều quỹ đầu tư quốc tế lớn tham gia vào thị trường vốn Việt Nam. Ông Dũng cho biết, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK đối với thị trường tự do là rất khó kiểm soát. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các ban ngành tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ dòng tiền gián tiếp này.

Hiện nay ở Việt Nam việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến, cho nên hoạt động rửa tiền cũng rất khó kiểm soát. Ông Dũng cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban CKNN tăng cường các biện pháp quản lý và cố gắng đưa ra những giải pháp để hạn chế bớt hoạt động rửa tiền thông qua TTCK”.

Để thực hiện việc hạn chế rửa tiền qua TTCK cần phải tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là biện pháp được áp dụng chủ yếu ở các nước khác trên thế giới. Thứ hai là phải tăng cường việc kê khai tài sản, minh bạch tài sản, minh bạch thông tin. Nếu thực hiện tốt được các nội dung này thì chúng ta có thể chống được hoạt động rửa tiền không chỉ trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này còn khá xa bởi chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi. Hiện các nước tiên tiến trên thế giới cũng có hoạt động rửa tiền chứ không riêng gì chúng ta, kể cả những nước đã áp dụng các biện pháp quản lý tối tân nhất. Tuy nhiên, các cơ quản quản lý nhà nước phải tăng cường các biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa hoạt động rửa tiền.

Theo Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010, định hướng 2020 của Bộ Tài chính, hiện thị trường vốn trong nước đang có những hạn chế về tính công khai minh bạch. Việc quản lý, giám sát còn nhiều bất cập trên cả phương diện điều hành kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường. Đặc biệt, chúng ta chưa có một hệ thống kiểm soát rủi ro cho thị trường vốn.

Nguồn: E-TradeNew