Chuyển tài khoản của nhà đầu tư từ công ty chứng khoán sang ngân hàng: Không làm được hay không muốn làm?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hơn một năm chuẩn bị vẫn xin… hoãn 
      
Mốc thời gian cuối cùng là ngày 1.10, nhưng qua khảo sát ở 2/3 trong tổng số 80 CTCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện mới chỉ có 13 công ty thực hiện tốt việc chuyển giao, còn đại đa số vẫn xin hoãn thực hiện. Các CTCK cho đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng vẫn còn rất bất cập cần giải quyết, như: hiệu quả, cơ sở để thực thi, tính pháp lý, công nghệ tin học kết nối với thị trường; Phân định trách nhiệm giữa CTCK và ngân hàng nếu NĐT bị chậm trễ trong thanh toán, đặt lệnh, khớp lệnh… Các CTCK dù đã đầu tư hệ thống để kết nối với ngân hàng nhưng đường truyền thường xuyên xảy ra sự cố, phần mềm không tương thích. Đối với dịch vụ ATM của ngân hàng, tiền không rút được ở máy thì khách hàng có thể đến quầy; khách không rút được có thể lui lại, nhưng với giao dịch chứng khoán thì không thể chấp nhận những trục trặc như vậy. Một phiên giao dịch thường diễn ra từ 8h30-11h00, nhưng cao trào của các giao dịch này chỉ diễn ra trong những thời điểm nhất định (kéo dài khoảng 30 phút). Vì thế, không CTCK nào có thể chấp nhận sự chậm trễ, dù chỉ trong vòng 15 giây. Nếu xảy ra sự cố sẽ rất khó phân định trách nhiệm giữa CTCK với NH vì rất khó xác định được đó là thiệt hại do lỗi đường truyền của CTCK hay ngân hàng gây ra. Hơn nữa khi CTCK mở rộng điểm giao dịch đến các tỉnh sẽ rất khó nhận lệnh bởi khoảng cách địa lý. Đến thời điểm này vẫn chưa có một văn bản hành chính nào quy định trách nhiệm hoặc tranh chấp phát sinh giữa các bên (CTCK-NH-NĐT) khi xảy ra sự cố.
      
Không làm được hay không muốn làm?
      
Trái với ý kiến của các CTCK, đại diện phía NH- ông Dương Văn Cơ, Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV) cho rằng, các CTCK lấy lý do hệ thống NH bị cản trở bởi khoảng cách địa lý là không xác đáng, bởi các NH mà cụ thể là BIDV cũng đã có rất nhiều chi nhánh, NĐT có thể nộp và rút tiền tại bất cứ chi nhánh nào trên cả nước. Còn nếu CTCK lo ngại việc bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng gây khó khăn cho việc tra cứu số dư tài khoản cũng không thuyết phục, bởi số dư tài khoản của NĐT đều được hiển thị để CTCK lấy đó làm căn cứ quyết định nhập lệnh của NĐT vào hệ thống. Với những lỗi kỹ thuật như đứt đường truyền, phía các NH cũng đã có hệ thống dự phòng hoặc kết nối gián tiếp. Hơn nữa, lỗi kỹ thuật này là rất hãn hữu. Đối với khả năng xử lý giao dịch lúc cao điểm NĐT đặt lệnh, ông Dương Văn Cơ khẳng định, hiện các ngân hàng đã đầu tư công nghệ có thể xử lý hàng triệu giao dịch cùng một thời điểm, gấp nhiều lần so với mức 1.000-1.500 giao dịch lúc cao điểm ở một CTCK lớn trong nước hiện nay. 
      
Trên thực tế, thời gian trung bình để triển khai thành công việc chuyển giao quản lý tài khoản NĐT mà BIDV đã thực hiện với 10 CTCK chỉ mất từ 2-3 tháng. Và với cả những căn cứ giải đáp những thắc mắc về sự bất cập trong việc triển khai Nghị định mà các CTCK đưa ra thì không có lý do gì mà sau hơn một năm chuẩn bị, nhiều CTCK vẫn xin hoãn thực hiện để… nghiên cứu tiếp. Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng, việc kết nối giữa NH và CTCK không có gì là khó. Vấn đề là các CTCK chưa thực sự muốn làm. Mỗi lần họp bàn giữa các bên, các CTCK chỉ cử một đại diện và đưa ra một ý kiến, đi họp 3 lần đưa ra 3 ý kiến hoàn toàn khác nhau, cố tình trì hoãn thực hiện quy định. Điều đáng nói là hầu hết các CTCK đều nhận thức đây là một quyết định đúng, nhằm quản lý chặt chẽ tài khoản của NĐT, tránh tình trạng tiền của NĐT bị sử dụng tùy tiện, thế nhưng, CTCK vẫn không muốn làm đúng theo nhận thức đó. Lý do của việc trì hoãn vô cớ này có lẽ là do động chạm đến lợi ích kinh tế của các CTCK. Vì tại thời điểm TTCK sôi động, có những ngày, NĐT phải xếp hàng chờ nộp hay rút tiền trong tài khoản của mình, và vô hình trung, số dư tiền trong tài khoản của NĐT mà CTCK nắm giữ không hề nhỏ. Không ít nhân viên của các CTCK đã tự ý mượn tạm khoản tiền này để… đầu tư. Chỉ tính riêng ở thời điểm thị trường được coi là tồi tệ nhất thì một CTCK nhỏ cũng vẫn quản lý 2-3 tỷ đồng trong tài khoản của NĐT, ở một CTCK trung bình, số tiền này là hàng trăm tỷ đồng, còn đối với những CTCK lớn con số này chưa khi nào dưới 500 tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Và chỉ tính với mức lãi suất qua đêm cao như hiện nay thì đây là một nguồn lợi rất lớn khiến các CTCK không đành lòng buông tay.
      
Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nghiêm khắc hơn với việc cố tình trì hoãn của các CTCK. Hiệp hội kinh doanh chứng khoán cũng nên đứng ra để lựa chọn công ty phần mềm và đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập mà CTCK đưa ra, buộc các công ty này phải áp dụng. Nếu các CTCK không thực hiện mà không có lý do chính đáng thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng cần có chế tài xử phạt thích đáng, bảo đảm sự công bằng, minh bạch.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân