Cơ cấu Kinh tế Việt Nam năm 2007 có bước chuyển dịch tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với trên 220 cổ phiếu được niêm yết và mức vốn hóa thị trường trên 45% GDP, đang trở thành kênh huy động vốn đầu tư dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều mặt hoạt động xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực.… Đó là tổng quan nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2007.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2007 tiếp tục có những mảng sáng đậm nét. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (17,1%) so với năm 2006, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10,4% ( Trung ương 13,4%, địa phương tăng 3,5%), khu vực ngoài nhà nước tăng 20,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18%. Các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước là máy công cụ tăng 74,5%; ô tô các loại tăng 62,7%; xe máy tăng 26,8%; động cơ điện tăng 26,2%, một số sản phẩm điện gia dụng tăng 20% ( như máy giặt tăng 24,7%, quạt điện tăng 20,3%, điều hòa nhiệt độ tăng 56,9%); bia các loại tăng 19,4%; máy biến thế tăng 18,7%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 22,9%, trong đó khu vực kinh tế tập thể tăng 18,7%, khu vực kinh tế cá thể tăng 26,3%, khu vực kinh tế tư nhân tăng 29,7%, khu vực đầu tư nước ngoài tăng 21,2%; riêng khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,4%. Bão lụt đã gây thiệt hại lớn về người và của ở các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, nhưng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn vươn lên đạt kế hoạch. Sản lượng lương thực vẫn đạt trên 37 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời duy trì xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn ( giảm 2% sản lượng) nhưng đạt giá trị 1,45 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2006. Xuất khẩu hàng hóa đạt 48,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2006. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, nhưng nhập siêu chưa giảm, bằng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao gấp đôi mức nhập siêu cùng kỳ năm 2006. Tuy nhiên, trong tình hình cán cân thanh toán thặng dư lớn, mức nhập siêu nêu trên không có ảnh hưởng lớn đến cân đối ngoại tệ. Nợ của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục được duy trì ở mức an toàn. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6%% GDP, tăng 16,4% so với năm 2006, là mức cao trong nhiều năm qua, là cố gắng rất lớn trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và là yếu tố rất quyết định cho tăng trưởng GDP.

Công tác xoá đói giảm nghèo tiếp tục đạt được kết quả khả quan; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% xuống còn 14,4%; giải quyết việc làm cho 1,68 triệu lao động. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội cho các vùng khó khăn và các chính sách trợ giúp trực tiếp về sản xuất và đời sống cho người nghèo được đẩy mạnh. Nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội được tăng cường thêm để triển khai nhiều chính sách tín dụng mới. Gần 4 triệu hộ nghèo và 1,7 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn thuộc 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18% năm 2006 xuống còn 14,7% năm 2007.
Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm và chỉ đạo kiên quyết. Các Bộ, ngành và các địa phương đều có chương trình, kế hoạch hành động phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO), Chính phủ đã triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 với số phiếu tín nhiệm cao, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Những thành tựu đạt được trong năm 2007 bắt nguồn từ thế và lực của đất nước, được tạo ra qua những năm đổi mới; sự năng động phát triển kinh tế của các ngành, các địa phương, đặc biệt là các vùng trọng điểm kinh tế khu vực phía Nam, phía Bắc và miền Trung, đã phát huy nội lực kết hợp với thu hút phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đó còn là sự nổ lực hoạt động có hiệu quả của cả hệ thống chính trị và những cố gắng phấn đấu vượt bậc để vượt qua thách thức khó khăn của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng các doanh nghiệp, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2007 vẫn còn những yếu kém, bất cập. Tốc độ tăng GDP tuy cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng của sự tăng trưởng, nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có bước tiến bộ nhưng vẫn còn thấp; hiệu quả đầu tư còn kém, chi phí sản xuất còn cao; sản xuất và cung ứng điện chưa đáp yêu cầu phát triển; công nghiệp gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp phụ trợ chưa có tiến bộ rõ nét. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Việc phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà nước và xã hội còn kém hiệu quả. Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, sự phát triển khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, bảo vệ – cải thiện môi trường, chăm sóc sức khoẻ nhân dân vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Đời sống nhân dân nhiều nơi ở nông thôn, nhất là miền núi, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy có được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nghiêm trọng. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn ở mức cao đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, làm hạn chế sự phát triển và đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Bước vào năm 2008, kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng trước cơ hội và thách thức đan xen nhau. Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 – 2010. Cả nước phải nỗ lực phấn đấu quyết liệt hơn nữa tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội X của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XII đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP trong năm 2008 là 9%. Phương hướng, giải pháp chủ yếu để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; phải thực hiện nhất quán các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới chính sách đầu tư và công tác quy hoạch, kế hoạch, khuyến khích thu hút mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Đẩy mạnh phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về văn hoá, xã hội, môi trường. Tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tăng cường hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo cho được những chuyển biến thiết thực trong năm 2008.

Trước mắt, các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu bình ổn giá cả, thị trường; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tý vui vẻ, lành mạnh./.

Nguồn: TTXVN