Cơ hội lớn từ thị trường Myanmar
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Theo số liệu Cục Hải quan Myanmar, quý I/2012, kim ngạch hàng hóa hai nước ước đạt 45 triệu USD, tăng 17,8% so cùng kỳ 2011; trong đó Việt Nam xuất sang Myanmar ước đạt 20 triệu USD (tăng 16,8% so cùng kỳ), nhập từ Myanmar 25 triệu USD (tăng 18,6% so cùng kỳ). Việt Nam xuất sang Myanmar chủ yếu các mặt hàng thép các loại, nguyên – phụ liệu may mặc, phân bón hóa học, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, xăm lốp các loại, văn phòng phẩm, thực phẩm chế biến, phụ tùng máy móc, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, máy tính và linh kiện, nguyên liệu ngành công nghiệp thực phẩm…; nhập từ Myanmar nông sản (đậu xanh, đậu đen, hạt vừng…), cao su nguyên liệu, đồng nguyên liệu, gỗ và lâm sản, thủy sản (tôm hùm, cá biển đông lạnh, cá khô, nhuyễn thể các loại…), da bò…

Trong các chuyến khảo sát tìm hiểu thị trường Myanmar mới đây, các DN TP.HCM cho biết, Myanmar là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Người dân Myanmar rất ưa chuộng các sản phẩm Việt Nam vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng và giá cả đáp ứng nhu cầu. DN Myanmar cũng rất hoan nghênh và mong muốn hợp tác với DN Việt Nam.

Ông Huỳnh Tấn Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại – Đầu tư  TP.HCM (ITPC) cho biết, còn rất nhiều các mặt hàng tiềm năng mà DN trong nước có thể khai thác xuất khẩu hiệu quả sang Myanmar. Cụ thể như thuốc trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, phân bón các loại, thức ăn giá súc – gia cầm – thủy sản các loại, nông ngư cụ các loại, công nghệ, máy móc, thiết bị bảo quản, dự trữ, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, tàu đánh cá cỡ nhỏ… Ngành dịch vụ cũng có nhiều điều kiện thuận lợi tăng có mặt tại Myanmar như du lịch, viễn thông, hàng không, hàng hải, thiết kế – xây dựng, cảng cá, kho hàng bào quản nông – lâm – thủy sản… Ngoài ra, DN trong nước còn có thể tăng hợp tác với DN Myanmar trên các lĩnh vực kỹ thuật nông – lâm – ngư nghiệp, phát triển trang trại, hợp tác trong lĩnh vực dệt may, đóng tàu, xuất khẩu chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục…

Tiềm năng tiêu thụ tại chỗ của thị trường Myanmar cũng rất lớn. Do ngành công nghiệp mới đáp ứng hơn 10% nhu cầu của người dân nên Myanmar đang nhập đến 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng. 30% dân Myanmar có khả năng sử dụng hàng cao cấp, 70% còn lại ưa chuộng hàng hóa giá rẻ hoặc trung bình. Ngành du lịch Myanmar cũng đang là một thị trường đầy tiềm năng cho DN du lịch Việt Nam. Quốc gia này đang thiếu rất nhiều khách sạn, nhiều phòng khách sạn ba sao trở lên. nhất là tại các thành phố lớn như Yangon.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Myanmar là nước giàu tài nguyên thiên nhiên, phong phú nguồn nhân lực, di sản văn hóa, có tiềm năng lớn về đầu tư, kinh doanh. Chính sách kinh tế Myanmar thực hiện theo định hướng thị trường từ năm 1988 nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích gia tăng sự có mặt của khu vực kinh tế tư nhân và Myanmar đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (FIL). Theo đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi khi đầu tư tại Myanmar như được miễn thuế 8 năm, được thuê đất trong 50 năm, không hạn chế mức góp vốn tối đa và nếu đầy đủ thủ tục sẽ có giấy phép đầu tư trong 2  tuần… Hiện các nhà đầu tư Trung Quốc đang chiếm vị trí hàng đầu tại Myanmar, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khoáng, thủy điện và xem Myanmar như một kênh dẫn tài nguyên, năng lượng về nước…

Dự báo chẳng bao lâu EU cũng sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar và hàng hóa từ Myanmar xuất sang EU sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế suất. Hoa Kỳ, Australia… cũng đang nới lỏng cấm vận đối với quốc gia này. Vì thế đang có rất nhiều DN từ khu vực EU, Nhật… tập trung đến tìm hiểu môi trường kinh tế Myanmar.

Đối với TP.HCM, Myanmar được xem là 1 trong 3 thị trường láng giềng quan trọng (Lào, Campuchia, Myanmar) nên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN tăng đầu tư, có mặt tại Myanmar. Mới đây, trong chuyến khảo sát thị trường Myanmar và trong hội nghị xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch của đoàn lãnh đạo cấp cao cùng đoàn DN TP.HCM diễn ra trung tuần tháng 3 qua tại Myanmar, lãnh đạo TP.HCM và TP. Yangon đã ký kết hợp tác hữu nghị giữa 2 thành phố nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế văn hóa xã hội và phát triển đầu tư thương mại giữa hai thành phố.

Ông Huỳnh Tấn Phong cho biết, để triển khai các ký kết giữa hai thành phố, trung tuần tháng 6 tới, TP.HCM sẽ tổ chức một đợt xúc tiến thương mại lớn tại Myanmar. Đó là Triển lãm thương mại – dịch vụ TP.HCM tại Myanmar 2012 (HoChiMinh City Expo 2012). HoChiMinh City Expo 2012 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Tatmadaw Hall, Yangon, Myanmar từ 15-19/6/2012 với quy mô 160 gian hàng của các DN Việt Nam. Nhân dịp này, ban tổ chức sẽ tổ chức nhiều chương trình khảo sát thị trường Myanmar, chương trình giao thương cho DN tại hai thành phố Yangon và Mandalay. Đoàn lãnh đạo – DN TP.HCM cũng sẽ tìm kiếm các địa điểm tại hai thành phố trên để thành lập các Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Myanmar, khảo sát hệ thống phân phối tại Myanmar, làm việc với Ban quản lý KCN Yangon…

Theo ông Phong, triển lãm là cơ hội để các DN TP.HCM giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đồng thời tìm kiếm các nhà phân phối, đối tác tại Myanmar nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và đà tăng trưởng cho các hoạt động thương mại giữa DN hai nước, góp phần làm tăng kim ngạch thương mại hai nước trong thời gian tới./.

Ngọc Long
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News