Công bố Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản: Nhiều mặt hàng được miễn thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Trưởng đoàn đàm phán: “Đây sẽ là nền tảng cho việc hình thành một khu vực thương mại tự do song phương, trong đó hàng hóa, vốn, công nghệ, lao động sẽ được lưu chuyển thông thoáng, thuận lợi. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam (VN) xuất sang Nhật Bản (NB) được hưởng mức thuế suất 0%”.

Đáng lưu ý, tại hiệp định này, lần đầu tiên Chính phủ NB khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với VN để sớm công nhận VN là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, xác lập quan hệ thương mại bình đẳng giữa hai nước. Theo hiệp định ký kết, trong thời gian 10 năm, VN và NB sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh.

Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều VN – NB đạt hơn 12 tỉ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2000. Năm 2008, con số này dự kiến sẽ vượt 16 tỉ USD, phá mốc 15 tỉ USD vào năm 2010 mà hai Chính phủ dự kiến đề ra.

Trong đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của VN và 87,66% kim ngạch xuất khẩu của NB sẽ được miễn thuế nhập khẩu (theo số liệu năm 2006). Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử sẽ có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất, có 7.264/9.111 mặt hàng VN vào NB được hưởng thuế suất 0%.

Về tiếp nhận lao động, NB cam kết dành cho VN một khoản vay ODA lãi suất thấp để mỗi năm đào tạo khoảng 200-300 y tá VN tại NB. Sau khi tốt nghiệp, các y tá sẽ được làm việc lâu dài tại NB. Phía NB cam kết hỗ trợ xây dựng hệ thống kiểm định tay nghề và hệ thống cấp chứng chỉ cho y tá và hộ lý VN. Trong vòng 1 năm kể từ khi ký kết, hai bên sẽ nối lại việc đàm phán về di chuyển lao động nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, hộ lý và các ngành nghề khác của VN…

Đánh giá về tương quan cán cân xuất nhập khẩu trước và sau khi hiệp định ký kết, ông Phan Thế Ruệ nhận xét: “Khoảng 5 – 6 năm nay, cán cân thương mại giữa VN – NB luôn cân bằng, năm 2008 còn có xu hướng xuất siêu. Cá nhân tôi dự đoán cán cân xuất nhập khẩu giữa VN – NB không có sự chênh lệch lớn, sẽ cân bằng”.

Trả lời câu hỏi người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi gì từ Hiệp định VJEPA, ông Ruệ nói: “Trước hết, người dân sẽ được hưởng lợi do môi trường tốt hơn, thuế giảm hơn và sự hỗ trợ của phía NB về kỹ thuật. Sản phẩm nông sản của nông dân VN sẽ sang NB nhiều hơn. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá, chất lượng dịch vụ, sản phẩm chất lượng khi lộ trình giảm thuế sản phẩm NB vào VN được thực hiện. VN và NB đều quyết tâm sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước để hiệp định có hiệu lực ngay nửa đầu năm 2009, kịp thời đem lại lợi ích tối đa cho DN hai nước”.

Giá hàng điện tử Nhật sẽ giảm

Ông Kimihiro Itoko – Tổng giám đốc Sony Electronics Việt Nam cho biết đối với các sản phẩm nghe nhìn điện tử, lộ trình sẽ giảm và tiến đến miễn thuế khá dài từ 5 -10 năm theo từng chủng loại. Đối với Sony, các mặt hàng tivi cao cấp, máy tính xách tay và sản phẩm kỹ thuật số sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 4,5% xuống còn 2,5% tùy mặt hàng. Tuy nhiên ông cho rằng giá thành sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như tỷ giá đồng ngoại tệ, khuyến mãi, chi phí vận chuyển… Mức độ ảnh hưởng thật sự sẽ diễn ra sau vài năm nữa.

Ông Liên An Thạch – Giám đốc kinh doanh Trung tâm điện máy Chợ Lớn (TP.HCM) nhận định việc thực thi hiệp định này sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều sản phẩm công nghệ cao như máy quay phim, máy ảnh, máy giặt có chức năng sấy… đa số có xuất xứ từ Nhật sẽ có mức giá giảm hơn hiện nay. Do đó, sức mua các sản phẩm công nghệ cao nói chung sẽ tăng lên thay vì chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5% trong các nhóm hàng tại trung tâm điện máy hiện nay.

Mai Phương

Thu Hằng
Nguồn: Báo Thanh niên điện tử