Công chứng tư: Có luật nhưng phải chờ “lệ”?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mảnh đất hoang vẫn phải chờ quy hoạch

Một trong những người đang “dài cổ” chờ đợi là tiến sỹ, luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ. Ông Trục là một trong những người đầu tiên được bổ nhiệm công chứng viên ở Hà Nội.

“Tôi đã chuẩn bị hết các điều kiện theo quy định để thành lập văn phòng công chứng (VPCC), như xây dựng đề án, thuê trụ sở, mua sắm trang thiết bị, tuyển dụng, đào tạo nhân viên… Nhiều lần tôi đến Sở Tư pháp nộp hồ sơ nhưng đều nhận được lời từ chối của bộ phận tiếp nhận một cửa. Đầu tiên họ nói “chưa có nghị định hướng dẫn”, khi có nghị định rồi thì “chưa có chủ trương nhận hồ sơ”, ông Trục bức xúc.

Ông Trần Công Trục chỉ là một trong số 16 công chứng viên được bổ nhiệm ở Hà Nôi, tất cả đều có nhu cầu mở VPCC. Ở TP Hồ Chí Minh, con số này là 20.

Thực tế, Luật Công chứng đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Tháng 1 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này, trong đó quy định Sở Tư pháp là nơi tiếp nhận hồ sơ mở VPCC và trình UBND tỉnh, thành.

“Công chứng viên làm trong VPCC không phải là công chức nhà nước, miễn là có bằng cử nhân luật, qua đào tạo, có nhu cầu thì được bổ nhiệm. Như vậy, VPCC không phụ thuộc biên chế cũng như ngân sách nhà nước. Người đứng ra mở VPCC tự bỏ tiền để trang trải mọi chi phí. Mô hình này giống hệt nước ngoài, ở châu Âu, CCV là tự do. Các nước XHCN cũ cũng chuyển qua mô hình này”.

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất

Thế nhưng, các công chứng viên còn phải chờ UBND xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới các phòng công chứng. 

Theo ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội, “Sở Tư pháp đã xây dựng xong dự thảo đề án phát triển công chứng trên địa bàn, trình UBND thành phố. Sau khi đề án được phê duyệt, Phòng Bổ trợ tư pháp sẽ tổ chức tiếp nhận hồ sơ lập VPCC theo quy trình” .

Nghịch lý có luật nhưng phải chờ “lệ” này khiến chính Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất cảm thấy bất lực.

Ông Thất nói: “Nguyên tắc là khi luật có hiệu lực thì kể cả chưa có nghị định, đã phải thực hiện theo luật rồi. Công chứng như mảnh đất hoang, đã khai thác hết đâu, mở văn phòng ở địa điểm nào đâu phải là vấn đề, chỉ khi nào có quá nhiều VPCC thì mới cần quy hoạch chứ”.

“Nếu tình trạng kéo dài thì thiệt hại rất lớn. Điều tôi lo lắng hơn là ngay cả cơ quan Nhà nước cũng không tuân theo luật pháp một cách nghiêm túc chứ chưa nói đến người dân”, luật sư Trần Công Trục nói.

“Miếng bánh” ngon không dễ “nhả”?

Ông Trục chưa bao giờ hình dung hành trình mở một văn phòng công chứng tư lại trắc trở đến vậy. Cũng như 45 công chứng viên mới toanh, được bổ nhiệm chỉ trong vòng vài tháng sau khi có Luật Công chứng, ông nhận định đây là một thị trường còn bỏ ngỏ.

Mô tả ảnh.

Tình trạng quá tải ở các phòng công chứng trước khi Luật Công chứng có hiệu lực. Ảnh chụp phòng công chứng số 4, 59/61 Trần Duy Hưng, Hà Nội cuối tháng 6/2007.

“Việt Nam được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường với đầy đủ tất cả các điều kiện và yếu tố kinh tế hợp thành, trong đó các quan hệ giao dịch dân sự không ngừng phát triển. Nếu các giao dịch này không được quản lý của Nhà nước bằng cơ chế thích hợp thì tất yếu sẽ dẫn đến những tranh chấp phức tạp, gây cản trở cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của nền kinh tế. Nhà nước phải quản lý các giao dịch dân sự bằng pháp luật, đó là một đòi hỏi tất yếu của một xã hội ổn định và phát triển bền vững”, ông Trục giải thích lý do muốn mở VPCC.

“Tranh chấp trong các quan hệ giao dịch dân sự đang trở thành một hiện tượng phổ biến mà một trong những nguyên nhân quan trọng chính là các giao dịch dân sự thiếu những bằng chứng xác thực rõ ràng và có giá trị pháp lý. Công chứng góp phần làm giảm thiểu các tranh chấp nói trên. Tôi cho rằng, nhu cầu pháp luật hóa các giao dịch dân sự rất bức thiết, nói cách khác, nhu cầu về công chứng sẽ ngày càng tăng trong xã hội, nhất là trên địa bàn Thủ đô”.  

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất cũng cho rằng công chứng là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Hiện cả nước chỉ có chưa đầy 140 phòng công chứng với khoảng 400 công chứng viên. Mới chỉ có Cần Thơ là địa phương cho phép mở VPCC đầu tiên của cả nước.

Trong khi đó, nền kinh tế thị trường đang phát triển sôi động bậc nhất, hợp đồng giao dịch diễn ra từng giờ từng phút, nào là thế chấp để vay vốn, mua bán, cầm cố… . Pháp có 60 triệu dân nhưng có tới 4.500 VPCC và 8.000 công chứng viên. Việt Nam cũng cần một mạng lưới hàng nghìn phòng công chứng và VPCC, ông Thất cho biết.

Theo ông Thất, lẽ ra các địa phương phải khuyến khích các cá nhân như ông Trục chia sẻ bớt gánh nặng cho Nhà nước.

“Nhà nước chỉ giữ chức năng quản lý, giám sát, xóa dần tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của cơ quan công quyền. Lẽ ra, Nhà nước còn phải hỗ trợ các cá nhân muốn tham gia, bằng cách miễn, giảm thuế, hay tạo điều kiện cho họ thuê nhà, đất làm trụ sở. Đằng này, họ chỉ xin mỗi thủ tục mà còn khó khăn”, ông Thất nói.

Liệu đằng sau sự chậm trễ từ phía chính quyền các địa phương, có lợi ích của các phòng công chứng của Nhà nước? Trả lời câu hỏi này, ông Thất nói: “Khó mà khẳng định việc không muốn “nhả miếng bánh”, nhưng rõ ràng các địa phương đã không làm tròn trách nhiệm”. 

Thực tế, sau khi công việc chứng thực bản sao được chuyển về UBND cấp xã, huyện, các phòng công chứng không còn bị quá tải như trước, nhưng điều này không có nghĩa là phòng công chứng Nhà nước đã hết việc để làm.

Riêng về đất đai, xây dựng đã có hàng vạn hợp đồng. Tất nhiên, theo Luật Đất đai thì UBND xã được quyền chứng thực hợp đồng về đất đai. “Nhiều địa phương nói phải sửa luật này thì nhu cầu công chứng mới đông. Nhưng quan điểm của tôi là phải mở đủ phòng công chứng (Nhà nước) và VPCC (tư nhân) để thuận tiện cho dân đã”, ông Thất cho hay.

Ông Trần Thất cũng nhắc lại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi còn đương chức thậm chí từng chỉ đạo 4 thành phố: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng ít nhất mỗi quân, huyện phải có một phòng công chứng. “Nhưng khi đó, các nơi đều kêu thiếu biên chế, rồi kinh phí. Bây giờ, tư nhân muốn làm, Nhà nước chẳng tốn kinh phí mà vẫn “gây khó” thế này!”

Luật sư Trần Công Trục thì chỉ có một mong muốn duy nhất: “Nhà nước tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực để thuận tiện cho mọi người dân khi đến với cơ quan Nhà nước, tôi chỉ mong chủ trương được thực hiện nghiêm túc ở lĩnh vực công chứng trên địa bàn Hà Nội”.

Nguồn: Báo Điện tử Việt Nam Nét