Công chứng tư: Vẫn xa vời sau 1 năm chờ giấy phép
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Thực sự, tôi chưa bao giờ tưởng tượng muốn xin phép mở văn phòng công chứng tư lại nhọc nhằn thế này”, giữa cái nắng chói chang, luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ than.

“Chúng tôi sẽ cạnh tranh lành mạnh”

Là một trong những người đầu tiên “hăng hái” nhất, đem nộp hồ sơ từ khi chưa có nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Công chứng khiến Sở Tư pháp Hà Nội không dám nhận, ông Trục đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện: trụ sở, nhân viên… để có thể mở văn phòng ở ngay trung tâm Thủ đô.

Ông tin rằng văn phòng của mình chắc chắn sẽ “ăn nên làm ra” bởi khắp Hà Nội mới chỉ có 6 phòng công chứng của Nhà nước, với vẻn vẹn 26 CCV.

Thế nhưng luật sư Trục đã phải vượt qua rất nhiều “cửa ải”, nào thẩm định hồ sơ, thẩm định trụ sở… Đến nay, “cửa ải” cuối cùng chính là con dấu của UBND thành phố phê duyệt đề án của Sở Tư pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Có được phê duyệt này, ông Trục cùng 15 công chứng viên khác của Hà Nội mới hòng mong nhận được quyết định mở công chứng tư.

Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành là phải thực hiện các biện pháp để phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương“.

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất

Tình hình ở TP. Hồ Chí Minh, dường như còn “bi đát” hơn. Thẩm phán Phạm Xuân Thọ cho hay, hồ sơ của hơn 20 CCV vẫn chưa được thành phố tiếp nhận, do “còn phải chờ UBND ban hành quy chế gì đó”.

Tôi chỉ biết kiên nhẫn chờ thôi. Có người nói phải có quy hoạch để khỏi chồng chéo giữa công chứng tư và công chứng nhà nước. Nhưng tôi nghĩ điều này không hợp lý. Chúng tôi sẽ hỗ trợ lẫn nhau rất tốt, cạnh tranh lành mạnh để có chất lượng tốt hơn và người hưởng lợi chính là dân”, ông Thọ nói.

Trong khi Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng  Tàu đã cấp phép cho công chứng tư thì TP. Hồ Chí Minh tỏ ra thận trọng hơn. Tại một cuộc họp hồi đầu tháng 6, Phó Chánh văn phòng UBND TP Lâm Văn Ba đề xuất, bước đầu chỉ nên triển khai công chứng tư ở những khu vực có nhu cầu thật sự cao.

Theo tôi, chỉ cần lập khoảng bốn văn phòng ở những khu vực trọng điểm là được. Các VPCC này hoạt động một thời gian, TP sẽ xem xét, rút kinh nghiệm rồi hãy tính đến việc thành lập thêm”, ông Ba nói.

Tại Hà Nội, Sở Tư pháp thừa nhận trong đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng rằng, hoạt động của các phòng công chứng (Nhà nước) “vẫn chưa đáp ứng và phù hợp với xu hướng xã hội hóa công chứng” và vì thế, phát triển tổ chức hành nghề công chứng là một trong những nhiệm vụ “quan trọng, cần thiết và cấp bách”.

Theo trưởng Phòng Bổ trợ Tư pháp của Sở, ông Phạm Thanh Cao, Hà Nội là địa bàn diễn ra các hoạt động kinh tế sôi động, tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại xuất hiện ngày một nhiều. Ông Cao dự báo “nhu cầu công chứng của người Hà Nội là rất lớn trong thời gian tới”.

Sở Tư pháp thấu hiểu nhu cầu ấy, vậy vướng mắc phải chăng nằm ở UBND thành phố? 

“Trình độ CCV tư nhân hơn hẳn CCV Nhà nước”

Luật sư Trần Công Trục trầm ngâm: “Có lẽ có tranh chấp về lợi ích ở đây. Thành phố không muốn chia sẻ lợi ích của các phòng công chứng nhà nước chăng?“. Về giả thiết này, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất từng nhận định: “Khó mà khẳng định việc các địa phương không muốn “nhả miếng bánh”, nhưng rõ ràng họ đã không làm tròn trách nhiệm”. 

“Người dân nếu không chấp hành quy định của pháp luật thì bị xử phạt ngay, trong khi cơ quan công quyền nếu không tuân thủ thì chưa có chế tài nào cả”.

Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Trong khi đó, Sở Tư pháp Hà Nội quả quyết trong đề án của mình: “Nhìn bề ngoài, các phòng công chứng có vẻ vắng khách, nhưng với đội ngũ CCV mỏng và số lượng hợp đồng giao dịch ngày một nhiều như hiện nay thì họ phải làm việc hết công suất và phải làm thêm giờ mới hoàn tất công việc“.

Sở này dẫn chứng, sau 1/7/2007 – ngày mà Luật Công chứng và Nghị định 79 có hiệu lực, tuy đã san sẻ công việc chứng thực bản sao cho phường, xã, quận, huyện, nhưng số lượng khách đến làm giao dịch hợp đồng dân sự ở các phòng công chứng nhà nước vẫn ngày một tăng.

Theo Vụ trưởng Thất, trong Luật Công chứng và Nghị định hướng dẫn không hề nói đến chuyện phải có đề án phát triển hành nghề công chứng xong mới tiếp nhận hồ sơ mở Văn phòng công chứng. “Nghị định nói là “đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng”, chứ không phải là đề án để “hạn chế phát triển tổ chức hành nghề công chứng”.

Khẳng định “trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành là phải thực hiện các biện pháp để phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương”, ông Thất quả quyết, Bộ Tư pháp đang theo dõi sát sao, tìm hướng giải quyết với tinh thần sẽ cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc để hoạt động công chứng có điều kiện phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Sở Tư pháp Hà Nội từng “hứa” với các CCV, đúng ngày 1/7 năm nay, những VPCC đầu tiên của thành phố sẽ được mở cửa. Đến giờ này, Trưởng phòng Phạm Thanh Cao chỉ dám hy vọng, sẽ thực hiện được điều này trong tháng 7 này mà thôi.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet