CPI tăng không đáng lo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,15% so với tháng 2 và tăng 0,93% so cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm tăng chỉ số giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,36%), nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,16%), văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,18%). Và có 4 nhóm có chỉ số giá giảm là đồ uống và thuốc lá (giảm 0,11%), may mặc và mũ nón (giảm 0,04%), giao thông (giảm 0,31%), bưu chính viễn thông (giảm 0,02%). Một trong rất nhiều mặt hàng có sự biến động giá thời gian vừa qua là gói bột canh, trước đây có giá 2.000 đồng, nay bán với giá 4.000 đồng, trọng lượng cũng bị giảm từ hơn 200g xuống còn 190g/gói.

Việc CPI tăng trở lại sau 4 tháng liên tiếp giảm, thậm chí giảm cả trong dịp Tết Nguyên đán đã khiến nhiều người băn khoăn. Bởi thông thường, giá nhiều mặt hàng sẽ giảm khi nhu cầu mua sắm dịp Tết đã kết thúc. Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Đỗ Thị Ngọc khẳng định, diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng hiện nay là phù hợp với quy luật mùa vụ. Theo quy định, ngày thu thập giá tính CPI trong tháng 2 của Tổng cục Thống kê kết thúc ngày 15.2, tức ngày 27.12 âm lịch, thậm chí thực tế có thể sớm hơn, bởi ngày 14.2 người lao động trên cả nước đã được nghỉ Tết theo quy định. Do đó, diễn biến giá cả của tháng liền trước chưa phản ánh hết được giá cả thị trường khi người dân thực sự chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong khi đó, giá cả của tháng 3 gồm cả diễn biến giá cả của ngày 25.2, tức mùng 7 Tết, khi thị trường vẫn còn phần nào dư âm của Tết và lễ hội diễn ra trên cả nước nên giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng so với tháng trước.

Thực tế, CPI tăng mạnh nhất trong tháng 3 thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng 0,36% so với tháng 2. Giá lương thực sau khi tăng khá vào tháng trước, đã giảm tương đối do nguồn cung dồi dào đủ bảo đảm cho nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nghỉ Tết kéo dài cộng với các lễ hội sau Tết là điều kiện để giá các loại hàng thực phẩm tăng mạnh so với tháng trước (thực phẩm tăng 0,31% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,07%). Điều này còn được phản ánh ở nhóm văn hóa, thể thao, giải trí khi nhóm hàng này tăng 0,18% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng sau 4 tháng liên tiếp giảm cũng do chịu ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá của một số mặt hàng thiết yếu. Nếu như 4 tháng trước, chỉ số giá nhóm giao thông liên tục giảm mạnh kéo CPI đảo chiều giảm, thì tháng 3 này, việc tăng giá điện thêm 7,5% từ 16.3 và giá xăng tăng 1.610 đồng/lít từ 11.3 đã khiến chi phí của người dân tăng, đẩy CPI lên. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng tăng góp phần tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,04%, còn giá điện đóng góp 0,07%. Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiên Phong, một yếu tố quan trọng khác là tỷ giá tăng khiến chỉ số đo lường, sức mua của đồng Việt Nam và CPI tăng.

Một nhân tố nữa khiến các chuyên gia nhận định việc tăng CPI không đáng lo là tính chung quý I.2015, lạm phát tới thời điểm này vẫn âm 0,1%. Ngay cả khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái, thì dù có tăng 0,74%, nhưng lại là mức tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. CPI trong hai tháng đầu năm giảm, tháng 3 tăng nhẹ, nên CPI bình quân mỗi tháng trong quý I có mức giảm nhẹ 0,03%.

Hải Thanh
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân