Cuộc đua song mã ngành chuyển phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cuộc đua giành thị phần, doanh thu năm 2021 của ngành bưu chính, chuyển phát sẽ được quyết định bằng việc ai sẽ chiếm được khách hàng từ thương mại điện tử.

Cuộc đua song mã…

Ngay từ ngày đầu năm mới, thị trường bưu chính, chuyển phát đã “mở hàng”, hứa hẹn cuộc thư hùng hấp dẫn giữa 2 “ông lớn” của ngành, nhắm tới sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử năm 2021.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) triển khai dịch vụ “chuyển phát thương mại điện tử”, thay thế các dịch vụ chuyển phát liên quan đến khách hàng thương mại điện tử trước đây. Điểm mới nhất của dịch vụ này là cước phí sẽ được tính trọn gói để đơn giản hóa cách tính cước cho các khách hàng kinh doanh online, miễn cước thu hộ cho tất cả các khách hàng kinh doanh thương mại điện tử.

“Nhu cầu chuyển phát dành riêng của khách hàng thương mại điện tử ngày càng tăng. Từ dải sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng thương mại điện tử, chúng tôi không chỉ cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, mà còn tinh giản các dịch vụ để khách hàng dễ dàng lựa chọn”, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó tổng giám đốc Vietnam Post nói.

Nhan vien Vietnam Post tiếp nhận và chuyển phát hàng
Nhân viên Vietnam Post tiếp nhận và chuyển phát hàng

Trong khi đó, cũng từ ngày 1/1/2021, Viettel Post áp dụng bảng giá thương mại điện tử mới cho toàn bộ khách hàng kinh doanh online trên toàn quốc. Theo đó, chỉ còn một bảng giá thương mại điện tử trọn gói duy nhất để đơn giản hóa phương thức tính giá cho khách hàng, bao gồm 3 khung: nội tỉnh, liên tỉnh đường bộ, liên tỉnh đường hàng không.

Viettel Post cho biết, bảng giá mới này sẽ thay thế toàn bộ các bảng giá chuyển phát đang áp dụng cộng thêm dịch vụ “thu hộ tiền hàng” (COD) hiện nay, gồm dịch vụ chuyển phát nhanh theo hộp; dịch vụ chuyển phát tiết kiệm theo hộp; dịch vụ giao hàng thu tiền nhanh; dịch vụ giao hàng thu tiền tiết kiệm; dịch vụ cộng thêm thu hộ tiền hàng.

Rõ ràng, những động thái trên của 2 “ông lớn” dẫn đầu thị trường chuyển phát là nhằm giành miếng bánh từ thị trường thương mại điện tử. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020, đạt mức 14 tỷ USD. Nếu duy trì tốc độ phát triển 20 – 30%/năm như hiện nay, các chuyên gia tính toán, riêng ngành bưu chính, chuyển phát sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2030. Con số này được kỳ vọng có thể đạt được trong bối cảnh quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, mở ra cơ hội rất lớn cho ngành bưu chính, chuyển phát.

Cùng đặt mục tiêu lớn trong năm 2021

Đối với Vietnam Post, năm 2021 sẽ là năm nền móng thực hiện mục tiêu “Chiến lược kế hoạch 2021-2030”, với tổng doanh thu gần 30.000 tỷ đồng.

Để thúc đẩy logistics và thương mại điện tử, thời gian qua, doanh nghiệp này đã thiết lập các trung tâm logistics tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước. Vietnam Post tổ chức các trung tâm logistics đồng bộ theo các trục khu công nghiệp lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ…

“Chúng tôi cũng triển khai đồng thời các nền tảng về kho hàng trong cả logistics truyền thống và logistics thương mại điện tử trên cơ sở phân tích các dữ liệu kho hàng và tối ưu hóa các lộ trình chuyển phát. Đặc biệt, Vietnam Post đã từng bước ứng dụng robot để tự động hóa một số công đoạn, tiến tới hình thành năng lực logistics có hàm lượng tự động hóa cao”, ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Vietnam Post cho biết.

Trong khi đó, Viettel Post đưa ra kế hoạch kinh doanh 5 năm tới với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 25.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Viettel Post cũng đặt mục tiêu trở thành công ty logistics số 1 Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, trong thời gian tới, Viettel Post sẽ lấy logistics làm cốt lõi cho mọi giải pháp phát triển doanh thu. Doanh nghiệp này sẽ thực hiện cung cấp 2 dịch vụ: dịch vụ hoàn tất đơn hàng (gồm các nghiệp vụ từ lúc hàng hóa nhập kho đến khi khách hàng nhận được hàng) và dịch vụ phân phối.

Năm 2020, Vietnam Post đạt doanh thu 26.387 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 540 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 796 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2020, Viettel Post đạt doanh thu 11.686 tỷ đồng. Năm 2020, Viettel Post đặt mục tiêu đạt 19.232 tỷ đồng , tăng 143% so với năm 2019.

Năm 2020, Tổng công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện (EMS) đạt doanh thu 3.563 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2019.