Đã đến lúc sáp nhập ngân hàng ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thị trường chứng khoán suy sụp, cổ phiếu nhiều ngân hàng đã trở về bằng mệnh giá. Trong cơn rối ren của thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng cần sáp nhập những ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn để tăng khả năng điều hành, quản trị, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.

Bùng nổ về số lượng

Theo số liệu công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước, đến nay cả nước có 34 ngân hàng thương mại cổ phần (33 đô thị + 1 nông thôn), 6 ngân hàng quốc doanh, 37 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh và 2 ngân hàng mới cấp phép thành lập. Như vậy trên cả nước hiện đã có 84 ngân hàng. Ngoài ra, còn có 22 công ty tài chính và cho thuê tài chính (gọi tắt là tài chính). Các công ty tài chính cũng được huy động tiền gửi, cho vay, tài trợ vốn… như ngân hàng.

Do cạnh tranh giành thị phần nên các đơn vị phải chạy đua mở rộng mạng lưới, làm cho số lượng địa điểm hoạt động của ngân hàng trên cả nước lên đến hàng ngàn điểm. Trong đó nhiều nhất là các ngân hàng quốc doanh. Tại những khu vực đô thị sầm uất, mật độ điểm giao dịch ngân hàng rất cao, cạnh tranh khốc liệt. Trên đoạn đường Khánh Hội, quận 4 – TPHCM (khu vực ngoài trung tâm TPHCM) chỉ dài chừng vài trăm mét nhưng có đến chục chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng. Người dân khi đem tiền đi gửi tiết kiệm cảm thấy lúng túng vì không biết nên chọn đơn vị nào.

Sự phát triển quá nhiều về số lượng ngân hàng tạo nên sự cạnh tranh, giành giật thị phần, làm cho thị trường tài chính thêm rối ren. Khi vốn ế thừa, nhiều ngân hàng dùng thủ đoạn lôi kéo khách hàng để cho vay bằng mọi giá, bất kể chuẩn mực tín dụng, dễ gây ra hậu quả xấu cho nền kinh tế. Chính sự giành giật cho vay tín dụng quá liều trong thời gian qua đã góp phần cơ bản gây nên lạm phát hiện tại. Còn khi tín dụng bị siết chặt thì các ngân hàng lại giành giật tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao…

Sáp nhập để tăng năng lực hoạt động

Theo danh sách xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP bình quân đầu người VN được xếp thứ 123/180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do thu nhập thấp nên mặc dù dân số khá đông (84 triệu người), tổng giá trị GDP của VN mới đạt khoảng 65 tỉ USD, nhưng cả nước lại có 84 ngân hàng và 22 công ty tài chính. Trong khi đó ở Hàn Quốc, dân số gần 50 triệu người, GDP cả nước đạt gần 1.000 tỉ USD, trước đây có 25 ngân hàng nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn hơn một nửa. Tuy số lượng ít nhưng quy mô và chất lượng tăng lên nên các ngân hàng của Hàn Quốc đã trở thành trụ cột của nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới.

Lâu nay các chuyên gia khuyến cáo: Số lượng ngân hàng thương mại ở VN quá nhiều, không nên cho thành lập thêm và từng bước phải tiến hành sáp nhập. Nhưng, những lời cảnh báo đó đến nay vẫn không được Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận. Vì quá dễ dãi trong quản lý cấp phép thành lập nên đến nay số lượng ngân hàng bùng nổ đã vượt xa mức thông thường của quốc tế. Hiện nay, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng nhỏ đã xuống bằng mệnh giá nên việc sáp nhập sẽ rất thuận lợi. Việc hợp nhất hay mua lại doanh nghiệp đang là xu thế thời thượng trên thế giới. Qua đó mở ra một tương lai mới cho các ngân hàng nhỏ và tạo ra mảng bè lớn giúp ngành ngân hàng trong nước đủ sức cạnh tranh với sự đổ bộ sắp tới của các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Hướng đi cần thiết

Báo cáo của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy các vụ sáp nhập (M&A) công ty tại VN trong năm 2007 tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với 113 vụ sáp nhập, tổng giá trị là 1,75 tỉ USD; trong các vụ M&A liên quan đến lĩnh vực tài chính chiếm đến 76%.

Gần đây nhất là việc Tập đoàn Computer Sciences Corporation (CSC- Mỹ) mua lại Công ty Tư vấn và Phát triển phần mềm VN. Trao đổi với báo giới, bà Margaret Lueng, Trưởng bộ phận dịch vụ ngân hàng thương mại toàn cầu của HSBC, nhận định sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây khiến cho các quỹ đầu tư, công ty và tập đoàn lớn trên thế giới chuyển hướng kinh doanh sang các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, trong đó VN là một trong những lựa chọn.

Theo các chuyên gia tài chính, thời điểm này là cơ hội để các doanh nghiệp lựa chọn đối tác để mua bán, sáp nhập, bởi giá trị thực của các công ty đã thể hiện rõ trên bàn cân thị trường. Mỗi ngày có hàng chục doanh nghiệp đăng ký mua bán, sáp nhập qua sàn giao dịch www.muabancongty.com. Qua cơn bão thị trường có thể nhận thấy ngành bị tác động nhiều nhất là tài chính, bất động sản…

Dự báo trong thời gian tới sẽ có sự sáp nhập của các ngân hàng bởi sự hợp tác để cùng nhau phát triển bền vững là một hướng đi khôn ngoan và cần thiết. Điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp như cắt giảm được chi phí, mở rộng thị trường, phát triển được thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mới…

Nguồn: Báo Người Lao động