Đại dịch khó lường, doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng kết quả kinh doanh cuối năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2021, thu nhập khách hàng giảm, trục lợi bảo hiểm tăng… là những nguy cơ gia tăng cho ngành bảo hiểm so với năm 2020.

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2021 và nghiên cứu tổng quan về thị trường ngành Bảo hiểm Việt Nam.

Theo đó, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong ngành đã ghi nhận kết quả tích cực trong quý 1/2021. Tuy nhiên, kể từ khi nước ta bước vào giai đoạn bùng phát dịch thứ tư với những diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cũng trở nên thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm.

Vị trí dẫn đầu trong Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ uy tín thuộc về Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Prudential, Dai – Ichi Việt Nam, AIA Việt Nam, Manlife Việt Nam, Chubb Việt Nam, MB Ageas, Hanwhalife Việt Nam, Sun Life Việt Nam và Cathay Việt Nam.

Ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, vị trí dẫn đầu cũng thuộc về Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về PVI, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm BIDV, Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC) và Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH).

Theo Vietnam Report, bằng những phản ứng linh hoạt và kịp thời, ngành bảo hiểm đã thể hiện tốt vai trò của mình như một “bộ giảm xóc” trước những rủi ro và tác động bất ngờ do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo báo cáo mới nhất của Deloitte, thị trường bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi tăng trưởng ấn tượng liên tục trong suốt 10 năm qua (CAGR ~3,3%) bị đứt gãy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành bảo hiểm lại có mức tăng trưởng ấn tượng (Hình 1).

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và được khách hàng tin cậy là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro. Cụ thể, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2019). Đặc biệt, các DNBH đã tích cực đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xã hội – đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2019).

.

Một số chỉ tiêu thống kê ngành Bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2010-2020

Nếu như năm ngoái có khoảng 33% số doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra thận trọng khi đưa ra quyết định thì năm nay, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm quyết đoán hơn. Cụ thể, trên 50% số doanh nghiệp bảo hiểm đang từng bước thay đổi các quyết định liên quan đến chuyển đổi số, quản lý và tiếp cận khách hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm, và giám định bồi thường.

Tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang tập trung rà soát lại công tác quản trị nhân lực đạt 29%, tăng đáng kể so với mức 14% của năm trước. Khoảng 18-29% số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết mảng quản trị rủi ro, quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng tiếp tục nằm trong diện cần rà soát. Những hoạt động này cần có những chiến lược linh hoạt, phản ứng nhanh với thay đổi của thị trường nên cần phải liên tục đánh giá hiệu quả sau từng giai đoạn.

Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra 4 thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt trong thời gian tới, bao gồm: Cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; Rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh…; Thu nhập của khách hàng giảm sút; và Vấn đề trục lợi bảo hiểm. Đáng chú ý, mức độ ảnh hưởng của cả 4 thách thức trên đều gia tăng so với năm trước.