Dân thừa tiền, doanh nghiệp khát vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lãi suất vẫn âm

Nhiều người đã lầm tưởng rằng hệ thống ngân hàng thương mại thiếu tiền là do các chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhà nước hút tiền về quá nhiều. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chính sách hút tiền về của Ngân hàng nhà nước cũng chưa đến mức làm cho thị trường tiền tệ “khô máu” như hiện nay. Chỉ tính riêng năm 2007, Ngân hàng nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 150.000 tỷ đồng để mua gần 10 tỷ USD. Vì vậy, ngoài các nghiệp vụ hút tiền như tăng dự trữ bắt buộc lên 11%, tăng lãi suất… Ngân hàng nhà nước cũng mới chỉ hút 20.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại bằng phát hành tín phiếu bắt buộc.

Tuy nhiên sau đó, Ngân hàng nhà nước đã phải cứu nguy bằng cách bơm lại hơn 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ tính thanh khoản. Hơn nữa, tính đến đầu tháng 4, lượng tiền huy động của các ngân hàng thương mại chỉ tính riêng khu vực TP.HCM đã huy động được trên 528.000 tỷ đồng để rồi họ lại bơm ra thị trường gần 478.000 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền nhàn rỗi đang nằm trong dân còn rất nhiều nhưng các ngân hàng thương mại đã không thể “moi” được. Thêm vào đó, người dân cũng đang xa dần hệ thống ngân hàng. Bằng chứng là trong hai tuần đầu tháng 4, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại khu vực TP.HCM đã giảm hơn 9.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, dòng tiền nhàn rỗi trong dân lại không chảy vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nữa mà chạy sang thị trường vàng, vật liệu xây dựng, gạo, cà phê… Đồng thời, một lượng lớn tiền trước kia đã phải rót vào thị trường bất động sản để giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán về mức 3%. Nay thị trường này đóng băng nên chưa thu về được. Một phần còn lại đang nằm trong hệ thống ngân hàng để cho vay lòng vòng lẫn nhau.

Cụ thể của vấn đề này đã được thể hiện ở báo cáo của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM. Theo bản báo cáo này, những tháng cuối năm 2007 đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đã quá cao, tháng cao nhất lên tới 14,2%. Dấu hiệu thiếu vốn của các ngân hàng đã bắt đầu thể hiện từ đầu tháng 2 khi các ngân hàng bắt đầu thiếu hụt nguồn vốn để cho vay và thiếu hụt thanh khoản. Các ngân hàng nhỏ thiếu vốn nên phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao. Cho nên một số ngân hàng nhỏ ở TP.HCM huy động vốn về không đủ để cho vay. Họ đã đi vay lại tiền trên thị trường liên ngân hàng để chữa cháy. Do đó, từ đầu tháng 2 đã xuất hiện nhóm ngân hàng có quy mô lớn găm vốn, trữ tiền lại đảm bảo tính thanh khoản. Một số ngân hàng khác nhân cơ hội này chớp lấy cơ hội kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao, có lúc lên tới gần 40%.

Chỗ thừa, chỗ thiếu

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, chính sách lãi suất tiền gửi thực âm khiến đồng tiền Việt Nam bị coi rẻ. Vì vậy, kết quả là lượng tiền dư thừa trong lưu thông vẫn quá nhiều nhưng ngân hàng vẫn không huy động đủ tiền mặt để cho vay. Từ đó dẫn đến việc các ngân hàng thương mại mất tính thanh khoản và hoạt động cho vay bị ngưng trệ…

Nhận định về tình hình thị trường tiền tệ, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng lượng tiền hiện nay cũng giống như cơn sốt gạo ảo vừa qua. Lượng tiền nằm trong dân còn rất lớn nhưng không đến tay doanh nghiệp đang đói vốn. Điều này thể hiện sự yếu kém của các kênh phân phối như các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, bất động sản… Các kênh phân phối vốn này đang làm ách tắc dòng vốn. Dòng vốn thừa vì vậy đã không đến được nơi đang thiếu. Tiền thừa nhưng doanh nghiệp lại không có tiền để đầu tư mở rộng sản xuất ra hàng hóa nên lạm phát vẫn còn ở mức cao.

Để hợp lực cùng Chính phủ chống lạm phát, theo ông Dương, chúng ta cần khơi thông nguồn vốn bằng cách trả lại lãi suất cho thị trường. Việc khống chế lãi suất trần chỉ làm cho dòng vốn bị ngưng trệ, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Còn hoạt động ngành ngân hàng có bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn lãi to.

Hiện nay các ngân hàng đang thoải mái mua rẻ với lãi suất huy động bị khống chế ở mức trần 12%/năm trong khi thả nổi lãi suất đầu ra. Vì vậy, các ngân hàng đang là người hưởng lợi lớn nhất trong khi người dân, doanh nghiệp đang lao đao vì lạm phát. Báo cáo tài chính của các ngân hàng đều rất lạc quan, lợi nhuận sau thuế khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM