Đang có dấu hiệu giảm phát?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là dấu hiệu khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, thị trường có biểu hiện giảm phát. Tuy nhiên, Tổ điều hành thị trường trong nước khẳng định: Chưa vội lo, lạm phát giảm là tín hiệu để phục hồi nền kinh tế, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Không có dấu hiệu “té nước theo mưa”

Mặc dù trong tháng 3, giá gas tăng phi mã cộng với việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu 10%, nhưng chỉ số CPI của tháng chỉ tăng 0,16% so với tháng 2 và được nhận định là mức tăng thấp nhất trong nhiều tháng qua. Phân tích về rổ hàng hóa, đóng góp vào tốc độ tăng chậm lại của chỉ số CPI tháng 3 là giá lương thực đã giảm 1,21% so với tháng 2 do xuất khẩu (XK) gạo không thuận lợi. Giá thực phẩm  giảm 1,25% do nhu cầu tiêu dùng giảm, đặc biệt tâm lý lo ngại về sử dụng hóa chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi ảnh hưởng tới tiêu dùng thịt lợn làm giá lợn hơi giảm trên 10%. Sự giảm giá của 2 mặt hàng lương thực và thực phẩm (chiếm tỉ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI) khiến CPI giảm sâu.

Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết,  do việc chốt giá để tính CPI là ngày 15 hằng tháng nên tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 7.3 chỉ góp phần làm CPI tăng khoảng 0,08%. Bên cạnh đó, giá gas tăng mạnh vào ngày đầu tháng 2 và 1.3, nhưng ngay sau đó, nửa đầu tháng 3, giá gas lại giảm 2 đợt với tổng mức giảm là 20.000 đồng/bình. Mức giá giảm này vẫn quá thấp so với mức tăng, khiến nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, bao gồm chất đốt đã tăng cao nhất, tới 2,31%.

Tuy nhiên, theo ông Quyền nhận định: Khác với những lần tăng giá trước, liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, phản ứng của thị trường thường là tác động dây chuyền, hay còn gọi là “té nước theo mưa”. Ở lần tăng giá này, tác động tăng giá ở vòng 2 không thấy rõ rệt, thậm chí nhiều mặt hàng ăn uống tiêu dùng vẫn giữ ổn định sau hơn nửa tháng tăng giá xăng dầu, cho thấy thị trường còn chịu tác động bởi cung – cầu.

Trong khi đó, dựa vào tổng mức tiêu dùng dân cư trong tháng 3,  nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm phát đang có dấu hiệu từ phía cầu. Hiện sức tiêu thụ trong dân cư tăng rất thấp, chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 198.055 tỉ đồng, chỉ tăng 1,18% so với tháng 2. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ 3 tháng đầu năm chỉ còn tăng 5% so với cùng kỳ 2011, đây là mức tăng thấp so với mức tăng trên 10% trong vài năm trở lại đây (trừ năm 2009).

Có hay không giảm phát?

Hiện đang có 2 luồng ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan quản lý. Trong khi các chuyên gia đều nhận định cho rằng, dấu hiệu giảm phát sẽ là hiện thực trong nay mai thì Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, vẫn cần theo dõi diễn biến thị trường thêm một thời gian nữa. Việc giảm lạm phát cũng là tín hiệu cho thấy các biện pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy tác dụng, đồng thời là tiền đề cho việc giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, Bộ Công Thương cũng cho biết, sản xuất công nghiệp đang gặp phải những khó khăn ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường XK khiến việc tiêu thụ sản phẩm bị đình đốn. Đã có hiện tượng tồn kho lớn, trong khi nhiều DN đã tìm mọi biện pháp khuyến mãi, giảm giá bán, tăng tiêu thụ để giảm tồn kho. Nhiều mặt hàng XK chủ lực như dệt may, da giày cũng gặp khó khăn do thiếu đơn hàng tiêu thụ. Do giá cả vẫn được xem là ở mức cao so với  mặt bằng thu nhập của người dân, và bởi nhiều mặt hàng như xăng dầu, gas liên tục tăng cao khiến người dân đều có tâm lý thắt chặt chi tiêu, hoặc chuyển qua sử dụng những sản phẩm ít tốn tiền hơn chính là nguyên nhân  Mức tiêu thụ nhiều loại sản phẩm, nhất là hàng cao cấp trên thị trường đã giảm xuống rõ rệt.

Các thành viên Tổ điều hành thị trường dự báo, trong tháng 4, giá một số hàng hóa, nhất là cước vận tải sẽ điều chỉnh tăng do tác động tăng giá xăng dầu vòng 2. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải đã bão hòa, sức mua thấp nên theo quy luật các doanh nghiệp cũng chỉ điều chỉnh tăng nhẹ.

Hiện nay đã có thông tin, một số nhà cung cấp đang kiến nghị các siêu thị tăng 3-4% giá bán; giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng từ 15.4; trong khi giá lương thực đang phục hồi, tác động của tỉ giá ngoại tệ đang tăng từ cuối tháng 3; nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng vào cuối tháng trong dịp nghỉ lễ 30.4- 1.5… sẽ là những yếu tố tác động làm tăng CPI.

Ngược lại, một số nhận định cho rằng, vẫn có những yếu tố làm giảm CPI, như nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn khá dồi dào, giá gas theo quy luật trong tháng 4 sẽ giảm sâu, một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, ximăng, thức ăn chăn nuôi, đường kính, thuốc chữa bệnh… giá tiếp tục ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Vì thế trong tháng 4, chỉ số CPI cũng sẽ không tăng mạnh, ở mức ổn định và chưa diễn biến nguy cơ giảm phát.

 Hồng Quân
Nguồn: Báo Điện tử Lao động