Đánh bạc vài ngàn đồng cũng bị tội: Quy định vẫn chỉ trên giấy!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một năm trước, Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phân tích về hướng dẫn này của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong Nghị quyết 01 ngày 12-5-2006. Theo đó, cơ quan tố tụng sẽ tính tổng số tiền đánh bạc là vốn gốc cộng với tiền dự kiến thắng để làm cơ sở xử lý hình sự. Như vậy, một người chỉ cần đánh đề vài ngàn đồng cũng có thể bị tội nếu tỷ lệ ăn thua lớn, tính thành một triệu đồng trở lên.

Thời điểm ấy, đông đảo chuyên gia pháp luật và bạn đọc đã cho rằng hướng dẫn trên xa rời thực tiễn, không khả thi, phạm vi hình sự hóa quá rộng, chỉ làm khổ người nghèo… Đúng như phân tích, đến nay thực tiễn đã cho thấy rất nhiều bất cập phát sinh khi cơ quan tố tụng áp dụng hướng dẫn này.

Đồng lòng “làm lơ”

Tháng 9-2006, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) xử sơ thẩm một vụ đánh bạc, tuyên phạt hai người ghi đề lần lượt 16 tháng và 19 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Trước đó, Công an TP Biên Hòa đã bắt quả tang H. và N. (chủ một cửa hàng bán vé số) đang ghi đề 20 ngàn đồng cho khách hàng T. Trong hồ sơ của cơ quan điều tra và tại tòa, H. và N. khai nhận hình thức chơi đề do mình quy định là nếu người ghi hai số trùng với hai số đầu hoặc cuối của kết quả xổ số thì được gấp 70 lần số tiền bỏ ra, nếu trùng ba số thì gấp 600 lần…

Như vậy, việc T. ghi đề với 20 ngàn đồng, nếu chỉ tính tỷ lệ thấp nhất là một ăn 70 thì số tiền dự kiến thắng đã là 1,4 triệu đồng, quá đủ để xử lý hình sự theo hướng dẫn của Nghị quyết 01. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ xử phạt hành chính T. mà không đề nghị khởi tố vì xét thấy “T. chỉ ghi đề 20 ngàn đồng mà bắt bớ thì nặng quá”. Sang đến VKSND TP Biên Hòa, cơ quan này cũng đồng tình và ra cáo trạng rồi chuyển đi. Đến khi xét xử, tòa cũng nhận định T. có hành vi đánh bạc nhưng xét chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Công an TP Biên Hòa xử lý hành chính đối với T. là phù hợp.

Áp dụng thì lúng túng

TAND quận 3 (TP.HCM) từng có lần phải hoãn phiên xử một vụ đánh bạc, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng công an, viện kiểm sát xác định chưa đúng tổng số tiền các bị cáo đã đánh bạc.

Số là A. mang 400 ngàn đồng đến cá tỷ số bóng đá và 1,2 triệu đồng cá độ thắng thua với C. Khi điều tra, truy tố, cả công an và VKS quận này đều xác định số tiền đánh bạc là 1,6 triệu đồng nên xử lý cả hai về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến ba năm tù).

Tuy nhiên khi xét xử, tòa lại cho rằng số tiền A. dùng để đánh bạc đúng là 1,6 triệu đồng; còn C. tổng số tiền đánh bạc là từ 15 đến 25 triệu đồng, phải xử lý theo khoản 2 (khung hình phạt cao nhất đến bảy năm tù). Theo tòa, nếu cá độ thắng, thua thì tỷ lệ sẽ là “một ăn bốn”; còn nếu cá tỷ số thì tỷ lệ cao hơn, khoảng 30-50 lần. Phần 1,2 triệu đồng dùng cá thắng, thua, nếu được sẽ là 4,8 triệu đồng; còn 400 ngàn đồng dùng để cá tỷ số, nếu thắng sẽ được từ 12 đến 20 triệu đồng. Như vậy, số tiền C. đánh bạc dao động trong khoảng 17-25 triệu đồng.

Lập luận của tòa là dựa vào Nghị quyết 01. Thế nhưng nếu đúng theo hướng dẫn này thì số tiền đánh bạc của A. sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1,6 triệu đồng như tòa nhận định mà cũng phải là khoảng 17-25 triệu đồng như C…

Xa rời thực tế?

Dù hướng dẫn này ra đời đã gần hai năm nhưng đến nay vẫn tỏ ra “quá mới” với các cơ quan tố tụng. Thực tế cho thấy không riêng gì ở Đồng Nai mà tại nhiều nơi khác, trong đó có TP.HCM, cơ quan tố tụng vẫn “né” xử lý người đánh bạc lặt vặt mà chỉ nhắm vào người tổ chức.

Điều này thể hiện qua số lượng án đánh bạc không nơi nào tăng so với trước. Theo một thẩm phán TAND quận 5 (TP.HCM), năm qua hồ sơ về án đánh đề, cá độ… chuyển sang tòa không có gì thay đổi và đối tượng truy cứu hình sự cũng không thay đổi. Tức những người đánh bạc lặt vặt thường chỉ bị phạt hành chính. Tình hình ở các tòa quận, huyện khác cũng y chang dù trước đó công an, viện kiểm sát cho đến tòa án các cấp đều đã được tập huấn về nghị quyết này. Vì sao? Theo thẩm phán này, đơn giản một điều nếu làm “mạnh tay” như nghị quyết thì xã hội… loạn người đi tù!

Lãnh đạo VKSND một quận tại TP.HCM cũng than thở là viện ông không thể áp dụng hướng dẫn này vì nó không phù hợp thực tế. Theo ông, thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến đánh đề, phần lớn những người bị kết án là các chủ đề. Đến nay cũng chưa có người nào mới đánh đề một lần vài chục ngàn đồng lại bị khởi tố cả.

Còn nhớ tại một hội nghị, một lãnh đạo ngành công an đã thẳng thắn chỉ ra rằng các cơ quan tố tụng, trước hết là công an sẽ quá tải nếu cứ “căng” theo hướng dẫn của TAND tối cao, bởi từ nông thôn đến thành thị, số người đánh đề, cá bộ đá bóng… lặt vặt không ít. Với người đánh bạc lớn hoặc nhiều lần thì khởi tố là đương nhiên nhưng chẳng lẽ với cậu sinh viên, bà nội trợ, anh xe ôm một lần bỏ vài ngàn đồng chơi đề cũng bị “tóm” thì công an làm sao đủ sức!

Hướng dẫn về số tiền đánh bạc

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… cần phân biệt: số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… với nhiều người là tổng số tiền, giá trị hiện vật mà họ và những người chơi khác dùng để đánh bạc.

Ví dụ: B là chủ đề của năm người chơi đề khác nhau, mỗi người chơi đề với số tiền là 20 ngàn đồng, nếu tỷ lệ chơi 1/70 (một ăn 70) thì số tiền dùng để đánh bạc được xác định như sau:

+ Tiền dùng để đánh bạc của một người chơi đề với B được xác định là một triệu bốn trăm hai mươi ngàn đồng (20 ngàn đồng tiền của một người chơi dùng để đánh bạc + (20 ngàn đồng x 70 lần) tiền của B dùng đánh bạc với người chơi đó = 1.420.000 đồng).

+ Tiền dùng để đánh bạc của B với năm người chơi đề là bảy triệu một trăm ngàn đồng (1.420.000 đồng tiền của B dùng đánh bạc với một người chơi x 5 người chơi = 7.100.000 đồng).

(Trích Nghị quyết 01 ngày 12-5-2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao)

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM