Đâu sẽ là đỉnh thực tế của lãi suất huy động VND?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Liền sau cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước thông báo triển khai cơ chế điều hành lãi suất mới, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lập tức tổ chức họp báo tăng lãi suất theo.

BIDV trở thành ngân hàng quốc doanh đầu tiên lên tiếng đi theo cơ chế mới; đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa lên 13,3%/năm; mức tối đa các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng vọt lên 13,5%/năm.

Đáng chú ý là chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ trước đó, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) còn nói rằng, về trần lãi suất thỏa thuận giữa các thành viên VNBA (12%/năm), gỡ bỏ hay không còn phải tôn trọng ý kiến của các ngân hàng; Hiệp hội sẽ lấy ý kiến để thống nhất vấn đề này.

Như vậy, ít nhất ở thời điểm đó, trần lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng vẫn có hiệu lực, khả năng gỡ bỏ còn ở phía trước, nhưng đã có hiện tượng đi trước đón đầu (tất nhiên, lãi suất mới của BIDV hay một số ngân hàng khác chỉ áp dụng từ ngày 19/5 và khả năng bỏ trần lãi suất thỏa thuận đã gần như chắc chắn).

Phía sau phản ứng tức thì đó liệu có phải tình thế thanh khoản đã quá căng thẳng, áp lực cạnh tranh dự báo quá lớn trong thời gian tới? May mắn là theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thì hiện tính thanh khoản của hệ thống vẫn đảm bảo.

Dù nhanh chân nhưng đỉnh lãi suất của BIDV nhanh chóng bị đánh đổ, bởi chiều 17/5, một số ngân hàng cổ phần đã thông báo biểu lãi suất mới; mức cao nhất của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là 14%/năm và của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là 15%/năm.

Nhiều khả năng mốc 15%/năm chưa phải là đỉnh thực tế hiện nay, bởi từ ngày 19/5, nhiều ngân hàng khác mới thực sự vào cuộc.

Nhưng đỉnh lãi suất huy động VND sẽ không thể quá cao, lãi suất cũng sẽ sớm dần đi vào “trật tự”; từ đó tạo sự ổn định trong hoạt động của hệ thống và tránh những xáo trộn của các dòng tiền gửi trên thị trường.

Đỉnh 15%/năm có thể bị đánh đổ, nhưng có một rào cản quan trọng nhất là khi lãi suất huy động càng tiến gần đến mức 18%/năm của hạn mức tối đa lãi cho vay đầu ra, lợi nhuận ngân hàng sẽ càng bị chia sẻ. Trường hợp tiến sát đến mốc đó sẽ tạo sự hoài nghi về năng lực thanh khoản cũng như huy động của ngân hàng đó.

Phía sau rào cản đó, cũng như trước áp lực cạnh tranh lãi suất, một giá trị đặt ra là các ngân hàng sẽ phải nỗ lực hơn trong đa dạng cơ cấu lợi nhuận, theo hướng chuyển dịch tất yếu từ sự lệ thuộc nguồn thu tín dụng sang phí dịch vụ, đầu tư…

Theo hướng đó, Vietcombank hiện đang nỗ lực để giữ vị trí số 1 trên thị trường thẻ; Techcombank bám sát mục tiêu có nguồn thu lớn nhất trong khối ngân hàng cổ phần về dịch vụ; Sacombank có thu nhập ngoài lãi (tín dụng) trong quý 1/2008 chiếm tới 41,4%; hay VIB Bank đang tập trung chiếm lĩnh thị phần thị trường thẻ…

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, việc mở rộng nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ ngoài tín dụng là xu thế phát triển tất yếu hiện nay của các ngân hàng thương mại. “Ngân hàng nào có nhiều sản phẩm dịch vụ sẽ vừa có thế mạnh trên thị trường vừa đảm bảo nguồn thu không phụ thuộc vào thu lợi nhuận từ tín dụng khi mảng này có biến động”, ông Thành nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng sẽ đầu tư thích đáng để trở thành ngân hàng mạnh nhất trong phát triển dịch vụ. Đây cũng là lý do để Techcombank liên tục có những hợp tác phát triển với các đầu mối như Pacific Airlines, Bảo Việt, Tập đoàn Điện lực… cũng như phát triển sản phẩm mới.

Như vậy, để có thể tăng mạnh lãi suất huy động VND, thu hẹp khoảng cách với “trần” cho vay 18%/năm, các ngân hàng buộc phải nỗ lực hơn trong việc bổ sung lợi nhuận từ các nguồn thu khác.

Tất nhiên, trong cuộc họp báo nói trên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ít nhất hai lần nhấn mạnh rằng các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất huy động lên những mức bất hợp lý, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ có chế tài xử lý và can thiệp thích hợp. Đây cũng là một chốt chặn đối với đỉnh lãi suất thực tế trong thời gian tới.

Và từ cơ chế lãi suất mới này, dù lãi suất huy động có biến động mạnh, các doanh nghiệp vay vốn vẫn có được giá trị cần thiết là được “bảo lãnh” lãi suất vay vốn, từ đó chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. ‘

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam