Đầu tư nước ngoài: Đạt kỷ lục vẫn lo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nguồn vốn FDI năm 2007 đạt được 5 điểm vượt trội.

Thứ nhất, tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất tính từ năm 1988 (sau khi có Luật đầu tư nước ngoài) đến nay tăng tới 8 tỷ USD so với năm trước, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lượng vốn bình quân một dự án mới đã đạt khoảng 11 triệu USD, cao hơn con số tương ứng năm trước.

Thứ hai, tỷ trọng lượng vốn đăng ký mới đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp – xây dựng tiếp tục đạt kỷ lục cao nhất, phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tỷ trọng đầu tư vào nhóm ngành dịch vụ cao hơn năm trước, vừa phù hợp với chủ trương tăng tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ trong GDP, vừa thực hiện cam kết khi gia nhập WTO phải mở cửa rộng và sâu hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào nhóm ngành này.

Thứ ba, trong hơn 50 nước và vùng lãnh thổ năm nay có dự án mới đầu tư vào nước ta, đã có hơn 15 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 100 triệu USD, trong đó nhiều nhất là Hàn Quốc, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, CHND Trung Hoa, Đặc khu kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Thái Lan, Pháp, Malaysia…

Thứ tư, trong 51 tỉnh/thành phố có dự án đầu tư mới đã có 10 địa bàn đạt trên 500 triệu USD, trong đó nhiều nhất là Tp.HCM, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Long An, Đà Nẵng, Hậu Giang, Thừa Thiên-Huế.

Bên cạnh những địa bàn trọng điểm những năm trước thu hút một lượng lớn vốn, năm nay tiếp tục thu hút nhiều nhưng chuyển dần sang hoặc là công nghiệp kỹ thuật cao, hoặc là dịch vụ, nay đã có thêm những địa bàn mới mà các năm trước còn thu hút ít nhưng nay đã thu hút một lượng vốn lớn như Phú Yên, Hậu Giang, Ninh Bình, Tây Ninh…

Có những địa bàn trong những năm trước còn ít xuất hiện, nhưng nay đã xuất hiện như Hà Nam, Thái Bình, Hoà Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Điều đó chứng tỏ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việc sản xuất sản phẩm vật chất đã chuyển dần từ các khu đô thị trung tâm – nơi có địa bàn xây dựng chật hẹp, giá nhân công đắt đỏ, ách tắc giao thông liên miên, giá bất động sản cao, việc xử lý môi trường khó khăn, chi phí cho việc xử lý môi trường tốn kém… – sang các địa bàn khác có điều kiện ngược lại.

Điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế khác nhau: các đô thị chuyển trọng tâm vào phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, vào phát triển dịch vụ, còn các tỉnh thì chuyển trọng tâm sang phát triển công nghiệp – xây dựng, dịch vụ.

Thứ năm, lượng vốn thực hiện cũng đạt kỷ lục từ trước tới nay. Năm nay có thể đạt 4,6 tỷ USD, cao hơn mức 3,956 tỷ USD của năm trước, cao hơn mức bình quân năm của thời kỳ 1988-1995 (0,815 tỷ USD), của thời kỳ 1996- 2000 (2,589 tỷ USD) và của thời kỳ 2001- 2005 (2,77 tỷ USD).

Nguồn vốn ODA cuối năm 2006 (cam kết năm cho 2007) đạt mức kỷ lục trên 4,4 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm trước; cuối năm 2007 (cam kết cho năm 2008) còn đạt kỷ lục cao hơn (trên 5,4 tỷ USD). Lượng vốn giải ngân năm nay ước đạt trên 2 tỷ USD, vừa vượt kế hoạch, vừa cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào việc xoá đói giảm nghèo, phát triển xã hội…

Nguồn FII mới vào từ vài năm nay, đặc biệt là từ đầu năm đến nay ước đạt 5,6 tỷ USD, cao gấp 4,3 lần năm trước. Lượng vốn lớn này, cùng với các nguồn ngoại tệ từ các kênh khác (FDI, ODA, kiều hối, chi tiêu của khách du lịch…) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và tác động lớn đến thị trường chứng khoán.

Tác động này được thể hiện trên ba mặt: tạo ra một nguồn vốn chiếm tỷ trọng khá trong tổng giá trị vốn hoá thị trường (trên 25%); giữ cho chỉ số giá chứng khoán không “phi mã” khi thị trường xuất hiện nóng sốt do họ đẩy mạnh bán ra; giữ cho chỉ số giá chứng khoán không “rơi tự do” khi thị trường nguội lạnh do họ đẩy mạnh mua vào để kéo các nhà đầu tư nhỏ lẻ không bán ra hoặc trở lại thị trường.

Tỷ lệ thực hiệp thấp, giải ngân chậm

Tuy đạt được nhiều kết quả ngoạn mục, nhưng lĩnh vực đầu tư nước ngoài còn có những hạn chế.

Đối với nguồn FDI, có ba vấn đề đáng lưu ý.

Một, cần có sự lựa chọn trong việc thu hút những dự án có trình độ kỹ thuật – công nghệ để vừa tranh thủ kỹ thuật – công nghệ tiên tiến nhằm tăng sức cạnh tranh, vừa tránh biến nước ta thành bãi chứa rác thải công nghệ.

Hai, cần hướng việc đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực, các vùng miền để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu.

Ba, nâng cao tỷ lệ thực hiện so với đăng ký hiện còn thấp và có xu hướng giảm (tỷ lệ này của thời kỳ 1988-2005 là 50,3%, của năm 2006 còn 33%, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 23%) trên cơ sở làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực…

Đối với nguồn ODA, cần khắc phục tình trạng giải ngân chậm (hiện chưa được một nửa: từ 1993 đến nay, lượng vốn cam kết đạt khoảng 40 tỷ USD, nhưng giải ngân mới đạt khoảng trên dưới 20 tỷ USD).

Giải ngân chậm vừa làm chậm việc đưa vốn và công trình vào sử dụng, vừa giảm thời gian được hưởng ân hạn. Hoàn thiện cơ quan quản lý dự án, quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí, thất thoát, bởi nguồn vốn này tuy lãi suất thấp, thời gian hoàn vốn dài, nhưng về cơ bản thì vẫn là nguồn vốn vay.

Đối với nguồn FII, cần hướng nguồn vốn này đầu tư lâu dài trên cơ sở tổng số đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, tăng số công ty niêm yết (hiện chưa đạt 2% tổng số công ty cổ phần), nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty niêm yết và quan trọng hơn là tăng tính minh bạch, công khai, dự đoán đúng và khéo léo sử dụng chính sách tiền tệ…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam