Đầu tư nước ngoài: Hãy nhìn ngoài con số
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhưng không nên chỉ nhìn FDI qua số lượng vốn, mà nên nhìn dưới góc độ tác động lan tỏa về công nghệ, quản trị… của FDI tới toàn bộ nền kinh tế trong nước. TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), nhận xét như vậy với VnEconomy.

Cùng quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên – Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng: số vốn và lượng dự án tất nhiên là quan trọng, nhưng nhìn trên toàn cảnh, sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong nền kinh tế còn quan trọng hơn thành tích về số vốn đầu tư.

Một trong những mục đích lớn của thu hút FDI là tạo ra những hiệu ứng lan tỏa từ khu vực FDI tới khu vực doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đại diện của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) mới đây đã có đánh giá: Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi ích từ nguồn vốn ngoại này, khi mối quan hệ giữa giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước vẫn còn hố sâu ngăn cách.

Cũng vì lẽ đó, trong Báo cáo Đầu tư Thế giới 2006 của UNCTAD công bố mới đây, với bảng xếp hạng 141 nền kinh tế về hiệu quả đầu tư của vốn FDI (trên cơ sở lấy số liệu của 3 năm liên tiếp), thì thứ hạng của Việt Nam đang tụt dần: từ hạng 46 (năm 2003), xuống hạng 52 (2004) và hạng 53 (2005).

Trong khi đó, một số nền kinh tế quanh Việt Nam đang giữ những vị trí hàng đầu, như Singapore (hạng 6, 7, và 5), Hng Kông (hạng 8, 6, và 3).

Số liệu thống kê từ năm 1998 đến 11/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, với 8.411 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép tại nước ta thì hình thức đầu tư tập trung chủ yếu là 100% vốn nước ngoài với hơn 6.500 dự án. Trong khi đó, hình thức liên doanh chỉ có hơn 1.600 dự án, hợp đồng hợp tác kinh doanh 219 dự án, công ty cổ phần 52 dự án…

Con số này, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, phản ánh sự thiếu lan tỏa giữa khu doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội về công nghệ, quản trị, vốn…

Nếu quan tâm hơn đến hiệu quả của FDI, điều tất yếu là chúng ta sẽ không cần đặt nặng “thành tích” về số vốn, số dự án FDI. Nhất là khi FDI cũng có nhiều lọai: có loại vào săn lùng tài nguyên, tận dụng các chính sách bảo hộ để “ăn” thị trường trong nước…

Và giờ đây, khi số vốn thu hút FDI trong năm nay đạt ấn tượng với hơn 20 tỷ USD, mức kỷ lục trong 20 năm (1998-2007), thì một bài toán đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào để “tiêu hóa” vốn ngoại này một cách có hiệu quả và nhanh nhất. Hay theo như cách nói của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng thì “thu hút được vốn lớn, tuy mừng nhưng mối lo cũng lớn về việc làm sao giải ngân vốn hiệu quả”.

“Chúng ta nhận thức rõ là giải ngân chậm sẽ làm cho các nhà đầu tư nản lòng, và dẫn đến từ chỗ tin tưởng mà gây cho họ hoài nghi về môi trường đầu tư của chúng ta”, ông Phan Hữu Thắng chia sẻ. “Do đó, chúng ta phải tạo điều kiện tốt nhất bằng những chính sách thích hợp để đồng vốn của các nhà đầu tư đi vào và phát triển”.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ 1998 đến 11/2007, cả nước có 8.411 dự án FDI còn hiện lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 78,3 tỷ USD, song vốn thực hiện của các dự án đang hoạt động mới đạt hơn 29 tỷ USD.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam