Đầu tư nước ngoài tăng 12,5% so với năm 2014
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cụ thể, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 15/12 thu hút 2013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỉ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 814 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỉ USD.

Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỉ USD, tăng 17,4% so với năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỉ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt trên 2,8 tỉ USD, chiếm 12,4%.

Ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 2,3 tỉ USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt trên 2,3 tỉ USD, chiếm 10,2%.

Xét theo địa phương, TPHCM dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỉ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Trà Vinh hơn 2,5 tỉ USD, chiếm 16,2%, Bình Dương hơn 2,4 tỉ USD, chiếm 15,8%, Đồng Nai hơn 1,4 tỉ USD…

Năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 2,6 tỉ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia với hơn 2,4 tỉ USD, chiếm 15,7%; Samoa với hơn 1,3 tỉ USD, chiếm 8,4%; Nhật Bản hơn 1,2 tỉ USD, chiếm 8,2%…

Đáng chú ý là năm 2015 có khá nhiều dự án “tỉ đô” được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mới đây nhất, vào tháng 12, Dự án giấy Cheng Loong Bình Dương, vốn đầu tư 1 tỉ USD, đã chính thức được trao Giấy chứng nhận đầu tư. Quyết định đầu tư một dự án giấy bao bì quy mô lớn ở Việt Nam có một phần nguyên nhân là để đón đầu các cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Đây là dự án “tỉ đô” thứ 3 có mặt tại Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, sau hai dự án là Thành phố Đế Vương (vốn đầu tư 1,2 tỉ USD) ở TPHCM và Samsung Display (3 tỉ USD) ở Bắc Ninh.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), môi trường pháp lý trong đầu tư được đổi mới và từng bước hoàn thiện góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao chất lượng nguồn vốn, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên các dự án phát triển công nghệ phụ trợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Huy Thắng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ