Đầu tư ra nước ngoài – Bắt đầu xu hướng mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó khăn do thiếu cơ chế

Những dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên được cấp phép khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới và mở cửa hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, loại hình đầu tư này, theo các quan chức của bộ Kế hoạch và đầu tư, chưa bao giờ được khuyến khích cho tới gần đây. Lý do thật đơn giản: Việt Nam luôn luôn khát vốn để phát triển kinh tế trong nước và tạo công ăn việc làm. Sức ép này lớn đến nỗi, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài, dù có mang lại nhiều lợi nhuận hơn, cũng không được ưu tiên.

Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng cộng có 185 dự án với gần 1 tỉ USD được cấp phép đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn từ năm 1988 đến cuối năm 2006. Các chủ dự án, thường là các doanh nghiệp nhà nước phải vượt qua rất nhiều những thủ tục cấp phép phức tạp, trong khi các cơ quan nhà nước luôn kéo dài thời gian thẩm tra hồ sơ dự án. Đa số các dự án, bất kể là của tư nhân hay nhà nước thường phải xin ý kiến của thủ tướng cho tới gần đây. Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận: “Trong thời gian dài, chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài”. Ngay cả các cơ quan nhà nước đầu mối như bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ Tài chính và ngân hàng Nhà nước cũng không phối hợp với nhau hiệu quả trong việc cấp phép và quản lý các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đầu tư ra nước ngoài hiện nay đang gặp nhiều khó khăn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Tập đoàn dầu khí quốc gia Petro Việt Nam – cơ quan có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài nhất để thăm dò, khai thác dầu khí – cũng than phiền rằng họ vướng rất nhiều cơ chế, mà đặc biệt là thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.

Tháo dỡ rào cản

Tuy nhiên, dù khó khăn, Petro Việt Nam đang triển khai việc tìm kiếm khai thác dầu khí tại 10 quốc gia trên thế giới. Có nơi, tập đoàn này mua trực tiếp lại mỏ, có nơi lại mua công ty quản lý mỏ.

Trong năm 2007, Việt Nam đầu tư sang Lào với 23 dự án có tổng vốn đăng ký 162,1 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu về đầu tư nước ngoài của Việt Nam tại Lào đã dần bị thay thế bởi Trung Quốc và Thái Lan. Tại quốc gia truyền thống và chịu ảnh hưởng này, Việt Nam luôn xếp hạng 1 về đầu tư nước ngoài cho đến năm 2005. Đến năm 2006, Trung Quốc đã vượt Việt Nam, và đến năm 2007, đến lượt người Thái tiếp tục qua mặt.

Trong hơn một năm sau đó, tình hình có vẻ được cải thiện. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2007 đã có 64 dự án với tổng vốn đăng ký 391,2 triệu USD do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ được cấp phép đầu tư ra nước ngoài tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Như vậy, trong giai đoạn 1988 – 2007, các cơ quan nhà nước đã cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 249 dự án với tổng vốn đăng ký là 1,39 tỉ USD ra nước ngoài.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, Lào là hướng đầu tư được các doanh nghiệp ưa thích nhất với 86 dự án trị giá tổng cộng gần 584 triệu USD, chiếm 42% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (trừ một số dự án đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí tại Algeria, Iraq và Madagasca). Tiếp đó là Campuchia với 27 dự án, vốn đăng ký 88,4 triệu USD, chiếm 6,3%. Liên bang Nga có 12 dự án, tổng vốn đầu tư 48,1 triệu USD, chiếm 5,6%.

Nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu xin mở rộng quy mô sau khi thu được những kết quả khả quan. Với đà này, tình hình đầu tư ra nước ngoài sẽ còn sôi động hơn nữa trong năm 2008.

Nguồn: Báo Đầu tư