Đầu tư tập trung cho địa phương có thế mạnh về sản xuất giống nông nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ NNPTNT cho biết, giai đoạn 2001 – 2008, các nhà khoa học đã hoàn thành 118 đề tài nghiên cứu giống nông nghiệp với vốn đầu tư 245 tỷ đồng tạo nên bộ giống hết sức phong phú với hàng trăm loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều trung tâm, viện nghiên cứu giống đã tạo được các loại giống cây trồng, vật nuôi có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng. Dự kiến, trong giai đoạn 2009-2010, ngân sách Trung ương sẽ đầu tư thêm 600 tỷ đồng cho các dự án giống nông nghiệp.

Chưa đáp ứng được nhu cầu giống cho sản xuất nông nghiệp

Tuy nhiên, những kết quả trên còn rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế về giống nông nghiệp ở nước ta. Điển hình là chương trình lúa lai, mặc dù đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng với mục tiêu đến năm 2010 tự túc 70% nhu cầu giống cho 1 triệu ha lúa lai nhưng đến nay vẫn phải nhập khẩu trên 13.000 tấn giống, trong khi đó các cơ sở trong nước chỉ đáp ứng được 3.500-4.000 tấn. Còn các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như các loại cá, cua, nhuyễn thể 2 mảnh… thì vẫn dừng lại ở mức độ nghiên cứu quy trình, công nghệ sản xuất giống mà chưa thể phổ biến đại trà.

Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, nhiều dự án giống cây nông nghiệp hiện nay chỉ dừng lại ở nhập nội, lai tạo thay vì huy động “nội lực” để phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế về năng suất, phòng chống dịch bệnh, giá thành rẻ, tính khả thi cao trong chuyển giao công nghệ. Do đó, dù số lượng giống được công nhận nhiều nhưng chất lượng chưa như mong muốn, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng thiếu chủ động, kém hiệu quả.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến chất lượng giống chưa cao là do sự liên kết giữa các khâu nghiên cứu, chọn tạo với chuyển giao, nhân giống đại trà còn lỏng lẻo. Mặc dù đã có nhiều giống, nhiều mô hình nhân giống tốt nhưng không được giám sát chặt chẽ nên không đánh giá được hiệu quả, dẫn đến việc triển khai trên quy mô lớn bị hạn chế và nông dân không thể tiếp cận được.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ NNPTNT Bùi Tất Tiếp nhận xét, vấn đề của các chương trình giống ở địa phương là đầu tư dàn trải, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương, trong khi ngân sách địa phương dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng các trại giống lại rất ít…

Thương mại hóa giống nông nghiệp đã được công nhận bản quyền để tạo nguồn thu

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề phát triển chương trình giống nông nghiệp ở các địa phương chưa mạnh là do cơ chế chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất giống, cung cấp cho người dân. “Thực tế, thị trường giống nông nghiệp ở Việt Nam rất lớn nên giống sản xuất ở một tỉnh có thể tiêu thụ được trên toàn quốc. Vì vậy, không cần thiết tất cả các địa phương đều phải có chương trình giống mà nên đầu tư tập trung cho những tỉnh có hệ thống sản xuất mạnh như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Trước mắt, Bộ NNPTNT sẽ cấp 200-300 tỷ đồng cho các dự án giống cụ thể ở từng địa phương”, Bộ trưởng cho biết.

Về định hướng phát triển chương trình giống nông nghiệp thời gian tới, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần phải đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế của từng dự án giống thay vì chạy theo thành tích. Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên xây dựng cơ chế để tạo động lực cho các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư và nghiên cứu, sản xuất giống. Cụ thể là thực hiện thương mại hóa các giống đã được công nhận bản quyền để tạo nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cũng như thu lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp làm ăn chân chính thu lợi chính đáng và xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp mua bán, sản xuất giống giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT tiếp tục khuyến khích việc nhập nội những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt để lai tạo những giống mới phù hợp với điều kiện nông nghiệp Việt Nam, có giá trị kinh tế cao.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ