Đề án phát triển thị trường bất động sản: Tăng tính ổn định & chuyên nghiệp!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

8 giải pháp phát triển thị trường BĐS

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết hiện nay thị trường Bất động sản của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa ổn định, thiếu sự chuyên nghiệp, cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là cân đối cung cầu trong thị trường BĐS là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm ổn định an sinh xã hội; đảm bảo thị trường phát triển công khai minh bạch; góp phần đổi mới và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với “thị trường nhạy cảm” này. Đề án phát triển thị trường BĐS Việt Nam được xây dựng gồm 4 phần: đánh giá thực trạng thị trường BĐS Việt Nam, kinh nghiệm phát triển thị trường BĐS của các nước trên thế giới, các giải pháp phát triển thị trường BĐS phù hợp với thực tế của Việt Nam, tổ chức thực hiện.

Căn cứ vào tình hình thị trường quốc tế và các nước trong khu vực cũng như thực tế của Việt Nam, đề án đã nêu ra 8 giải pháp quan trọng để phát triển thị trường BĐS, cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, rà soát các quy định chồng chéo, chưa phù hợp; ban hành các quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có; hoàn thiện chính sách thuế; cân đối cung cầu trong thị trường BĐS nhằm ổn định an sinh xã hội (nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp); hoàn thiện cơ cấu tổ chức; hoàn thiện hệ thống thông tin cho thị trường BĐS; đảm bảo thị trường BĐS hoạt động công khai minh bạch; đổi mới và nâng cao vai trò quản lý. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Quản lý nhà – Bộ Xây dựng thì “Đề án này là cơ sở thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững hơn, đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế thế giới”.

Thị trường BĐS 2009: Nhiều thay đổi khó dự đoán

Bước vào năm 2009, các nhà đầu tư BĐS đang đứng trước những thách thức lớn bởi sự suy thoái kinh tế đang trực tiếp tác động vào Việt Nam. Tương lai thị trường BĐS sẽ đến đâu vẫn là một câu hỏi không chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư mà cho cả các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Theo dự đoán của một số doanh nghiệp lớn trong ngành đầu tư BĐS, năm 2009 có thể nhiều nhà đầu tư sẽ rút khỏi Việt Nam hoặc tạm dừng dự án của mình do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, thị trường BĐS có xu hướng giảm hẳn các giao dịch và đi xuống, điều đó gây ra sự lúng túng và phân tâm cho tất cả mọi người tham gia, nhất là đối với những thị trường đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tốc độ phát triển chậm hơn so với dự tính của thị trường BĐS lại là một yếu tố tích cực vì điều đó tránh cho thị trường rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (Công ty Tư vấn và quản lý bất động sản của Mỹ – CBRE, một trong các Cty BĐS hàng đầu thế giới) cho rằng, năm 2009, nhiều bộ luật và quy định sẽ có hiệu lực như: Luật Thuế thu nhập cá nhân (PIT), Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) mới; tăng mức lương tối thiểu, giảm lãi suất ngân hàng, ngân hàng bắt đầu cho vay BĐS… sẽ khiến tình hình thị trường BĐS trong nước có nhiều thay đổi khó dự đoán). Mặc dù vậy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn được xem là đầy tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội tốt. Theo nhận định của CBRE thị trường BĐS của Việt Nam nói chung sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng trong thời gian trung hạn (2 – 6 năm).

Ông Trần Ngọc Quang – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex – ITC) cho rằng, thị trường đang trầm lắng và rất khó để dự đoán về thời điểm phục hồi vì điều này phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Thị trường đang khó khăn nhưng thực tế nhu cầu nhà ở vẫn lớn và đang tăng lên, nhu cầu sở hữu BĐS vẫn lớn. Vấn đề là cách đi của doanh nghiệp để tiếp cận nhu cầu thực của người dân.

Minh Lý
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử