Đề án tái cơ cấu nền kinh tế – những khuyến nghị đột phá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đánh giá cao những định hướng ưu tiên của Đề án lần này là khá trúng với chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn, cụ thể như: nhấn mạnh việc cần ưu tiên tái cấu trúc trước hết là trong lĩnh vực tín dụng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Hay, đối với các ngành thì đã tập trung vào những ngành, những sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh, đã và đang phát triển tại Việt Nam hoặc có tiềm năng phát triển như luyện kim, hóa dầu, đóng tàu, phương tiện vận tải, điện tử, công nghiệp xanh, năng lượng sạch, dịch vụ logicstic, du lịch… Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, Ts Nguyễn Minh Phong, cần bổ sung thêm những trọng tâm và điểm nhấn liên quan đến tái cấu trúc. Quan trọng nhất là cần bổ sung những danh mục sản phẩm, những ngành, lĩnh vực liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ như là một trong những đột phá mới để tạo ra sự cải thiện căn bản kinh tế Việt Nam theo hướng CNH – HĐH. Đặc biệt theo hướng gia tăng giá trị những ngành nghề được tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh VN trở thành một bãi thải công nghiệp hoặc là phát triển luôn chậm so với khu vực và thế giới.

Đồng quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, trong Đề án cũng có nêu lên những con số cụ thể như nâng cao tỷ trọng của công nghiệp chế tạo từ khoảng 25% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 lên 40% năm 2020. Cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể đối với lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, mới có thể bảo đảm được mục tiêu của đề án. Phải có những cơ chế cụ thể để liên kết các doanh nghiệp cơ khí với nhau, kể cả các thành phần kinh tế tư nhân để tạo thành sức mạnh làm ra những sản phẩm cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả để thay thế hàng nhập khẩu…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để triển khai Đề án tái cấu trúc rất cần những giải pháp, tổng thể mang tính đột phá và khả thi. Những giải pháp này phải nằm trong diện bao quát từ phía nhà nước, địa phương đến các bộ, ngành, doanh nghiệp… Tuy nhiên, trong đề án tổng thể ở đây mới đưa ra được những quan điểm và giải pháp cơ bản, chứ chưa có những đột phá. Đặc biệt là lộ trình cho tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thật định hình. Và như vậy, rõ ràng tiến độ sẽ khó được bảo đảm theo yêu cầu mới. Chuyên gia kinh tế Trần Tiến Cường – nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, làm tốt công tác tái cấu trúc tập đoàn kinh tế, DNNN sẽ là động lực gỡ nút thắt quan trọng cho nền kinh tế. Trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải có một mảng liên quan đến chủ sở hữu và trong đó cũng phải có một mảng nữa về pháp luật. Sau khi Luật DNNN hết hiệu lực chuyển sang Luật DN thì hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước đang có khoảng trống, không tạo ra một nền tảng pháp lý rõ ràng, minh bạch để bảo đảm quyền của chủ sở hữu nhà nước cho nên cũng phải quan tâm để tạo ra một cơ sở pháp lý trong bối cảnh mới thực hiện quyền năng của chủ sở hữu.

Một trong những đột phá quan trọng xuất phát từ tái cấu trúc theo các nhóm ngành, sản phẩm để tạo ra những chuỗi sản phẩm liên kết giữa trong nước và quốc tế, giữa DNNN với tư nhân cũng chưa rõ nét. Theo chuyên viên cao cấp, Viện phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam Doãn Văn Tỏa cho rằng, Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cần có những bước đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể – HTX, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang xây dựng nông thôn mới. Với hơn 19.000 HTX, trong đó gần một nửa thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nếu được quan tâm tái cấu trúc sẽ đem lại bộ mặt mới cho kinh tế nông nghiệp.

Liên quan đến Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cũng có rất nhiều quan điểm cho rằng, Đề án cũng cần có những giải pháp để chủ động phòng ngừa những tác động mặt trái của tái cấu trúc… Ví dụ như việc giải quyết những vấn đề xã hội do áp lực đào thải và tuyển mới lao động chất lượng cao. Việc đào thải lao động cũ sẽ gây áp lực về thất nghiệp cũng như nhu cầu chất lượng cao tăng lên. Hay cũng cần tính tới những bẫy nợ trong quá trình tái cấu trúc. Bởi vì tái cấu trúc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong bối cảnh chúng ta đang gặp khó khăn về vốn thì việc xử lý về vốn như thế nào cũng rất quan trọng. Ngoài ra cũng cần có những giải pháp nhằm ngăn chặn sự lạm dụng trong quá trình tái cấu trúc. Rất có thể có những lợi ích nhóm nổi lên làm cản trở quá trình thực hiện hoặc chi phối quá trình tái cấu trúc, tạo ra những dự án không cần thiết và lạm dụng nhân danh tái cấu trúc để tham nhũng hoặc làm lãng phí thêm.

Nguyên Long
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=244251