Để khơi dậy dòng vốn FPI tiềm năng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2007 cũng chứng kiến nhiều thương vụ FPI lớn. Nổi bật là việc Công ty Bảo hiểm tập đoàn Tài chính HSBC mua 10% cổ phần Bảo Việt với số tiền lên đến 225 triệu đô la Mỹ. Ta thấy, chỉ một thương vụ thôi đã gần bằng con số “300 triệu đô la Mỹ mơ ước” của hồi 2005! Nhiều quỹ đang theo đuổi các khoản đầu tư có quy mô khá cao. Indochina Capital chẳng hạn, đã đưa ra tiêu chí từ 5-15 triệu đô la Mỹ mỗi khoản.

Có thể nói, từ chỗ đói vốn không lâu trước đây, nay nhiều nguồn tiền đang đợi sẵn ngoài cửa doanh nghiệp. Khác với đầu tư trực tiếp, là lĩnh vực nhiêu khê từ khâu kiếm đất và trăm thứ vất vả trong quá trình thực hiện, đầu tư tài chính vào doanh nghiệp có thể ví như việc mua lại hay hùn thêm vào thực thể có sẵn, nên không quá phức tạp. Thế nhưng, việc giải ngân tưởng chẳng khó khăn gì nhưng thực tế lại không dễ. Vấn đề nằm ở đâu? Ở môi trường và sự nhận dạng các cơ hội khả thi. Đây là những nội dung liên quan đến khả năng tiếp cận và tiếp nhận vốn (của doanh nghiệp trong nước) và chủ trương hay mục đích đầu tư (của phía nước ngoài). Sự so le về cách hiểu và mục đích hay mong đợi riêng có thể tạo ra bế tắc. Nhiều trường hợp, trong khi mọi thứ đều tốt đẹp, kể cả tốn nhiều tháng để làm due diligence (thẩm tra), nhưng chỉ vì không đồng ý với cái tôi vốn có (không ở lâu) của một quỹ đầu tư, cuối cùng là dang dở.

Đối tác chiến lược hay đối tác tài chính

Để có cái nhìn sâu vào vấn đề, và cũng để cho dễ khảo sát, ta tạm chia nguồn FPI chảy vào nền kinh tế theo hai phân khúc: Một là đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp, và hai là mua bán thứ cấp (mua đi bán lại trên TTCK). Việc mua bán thứ cấp tuy quan trọng (có thể tối quan trọng vì không có sân này doanh nghiệp sẽ đói vốn) nhưng dù sao đó là khâu thanh khoản, nên sau đây ta chỉ bàn sâu đến phân khúc đầu.

Hoạt động đầu tư mua cổ phần từ nguồn vốn FPI của các tổ chức nước ngoài hiện nay có thể khái quát là việc thủ đắc (sở hữu) một lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước. Cho dù theo thông tin, có vẻ như nguồn này đang tập trung vào các cơ hội cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì trong thực tế khu vực doanh nghiệp tư gần đây đã lặng lẽ thu hút nguồn này khá mạnh. Đồng thời, dù các doanh nghiệp trong nước thường ví việc này như kết ước hôn nhân thì, với các tổ chức tài chính nước ngoài, việc mua cổ phần của họ có một số mục đích khác nhau. Nhưng dù là mục đích gì, chú trọng số một của tất cả họ là lợi tăng vốn (capital gain). Đây lại chính là đích đến của hoạt động đầu tư tài chính. Nói rõ hơn, sản phẩm họ o bế là cổ phần của doanh nghiệp, chứ không phải thứ mà doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. (Có thể loại trừ trường hợp họ đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành để dọn đường hay tìm thế đứng, ví dụ ngân hàng nước ngoài mua cổ phiếu của ngân hàng trong nước).

Trong khi họ không màng đến chuyện lâu dài như vậy, thì doanh nghiệp ta lại nghĩ họ là bạn đời và đòi họ là đối tác chiến lược. Cứ khá tiền là chiến lược, nhưng đôi khi cũng chẳng khá gì, vì nếu tính tương đối thì không ít trường hợp đó chỉ là một vài phần trăm. Trong đàm phán, nhiều “anh chiến lược” còn không chịu ở quá một năm, thậm chí đòi sáu tháng là được bán, thì làm sao mà chiến lược được! Ta thông cảm với họ vậy, vì nghề của họ là kinh doanh tiền. Thế nên, gọi họ là đối tác tài chính hay cổ đông lớn đúng hơn. Mặt khác, nếu một doanh nghiệp mà có đến cả chục hay vài chục anh chiến lược (hiện không ít nơi là vậy) thì chiến lược liệu có rối?!

Nói là nói vậy, nguồn lực FPI có cái hay riêng và sự thuyết phục riêng của nó. Sức hấp dẫn của nguồn tài chính này thể hiện qua quy mô đầu tư và bản chất mạo hiểm. Hơn nữa, cho dù việc tham gia vào doanh nghiệp là để vỗ béo một khoản đầu tư, nhưng không chỉ có vậy và ngắn vậy. Thật ra, trong quá trình vỗ béo đó nhà đầu tư tài chính sẽ đem lại cho doanh nghiệp nhiều điều lợi. Ngoài nguồn vốn mạnh, sự hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường, hoạt động xúc tiến, quan hệ quốc tế, thu xếp kết nối… là những việc mà doanh nghiệp luôn cần. Nếu sau một thời gian họ có thanh lý khoản đầu tư của mình (bán đi), thì việc này cũng sẽ diễn ra ngoài doanh nghiệp, và biết đâu người khác thế chân sẽ tốt hơn. Dù không ở lâu, và thường không trực tiếp tham gia quản trị điều hành, các nhà đầu tư tài chính lớn lại rất quan tâm đến việc giám sát (qua đại diện trực tiếp hoặc công ty kiểm toán). Điều này gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp mạnh lên. Công bình mà nói, thời gian qua chính nguồn FPI này đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, sẵn sàng hội nhập và cất cánh.

Hóa ra các cổ đông chiến lược lâu nay đa phần là cổ đông lớn thôi chứ chưa phải chiến lược đúng nghĩa. Vậy thì doanh nghiệp trong nước làm thế nào để có đối tác chiến lược đúng nghĩa trong quá trình tiếp nhận vốn FPI? Câu trả lời là nên thay đổi quan điểm và cách tiếp cận, vì đối tượng sẽ kén hơn. Ai mà kén? Đó là các nhà đầu tư có khuynh hướng đầu tư trực tiếp, nhưng thay vì thành lập doanh nghiệp mới, họ tham gia thị trường thông qua cửa đầu tư tài chính. Do có sự tích cực như vậy, họ thường đòi tỷ lệ sở hữu cao, thường là không dưới 20%. Lý do? Ngoài yêu cầu sẽ trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp (đây thường là điều kiện tiên quyết), việc nắm giữ tỷ lệ cao có thể là để đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chí công bố tài sản trên các báo cáo tài chính bên nước họ. Cũng có trường hợp, nhìn hình thức thì có vẻ đầu tư tài chính, nhưng thực chất hoặc đường dài đó có thể sẽ là chiến lược. Trường hợp Công ty Bảo hiểm HSBC mua 10% Bảo Việt có khả năng thuộc dạng này, bởi theo thông tin, sau khi nắm 10% họ còn có ý định mua tiếp 8% (phần dành cho đầu tư nước ngoài còn lại) và sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 25%. Các nhà đầu tư có khuynh hướng đầu tư trực tiếp thông qua cửa FPI nói ở phần này cũng không loại trừ là khách hàng tiềm năng của thị trường thâu tóm và sáp nhập (M&A). Có thể ví von lĩnh vực M&A như một cung bậc cao của hoạt động tài chính, nhưng có đoạn kết là đầu tư trực tiếp, và do vậy, cách thủ đắc doanh nghiệp kiểu này không hề là đầu tư gián tiếp.

Suy cho cùng, khi nguồn FPI được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì nó không có mấy khác biệt so với nguồn FDI. Bởi nhìn từ góc độ doanh nghiệp, hai chú “mèo đen mèo trắng” này đều có đóng góp tốt ngang nhau. Nhưng đó là khi doanh nghiệp tiếp nhận vốn FPI trực tiếp từ quá trình IPO hay huy động bổ sung. Còn nếu nguồn này đi thẳng vào phân khúc sau (mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp) thì là chuyện khác. Khác là vì nó nhạy cảm, là nơi cần đến các chính sách vĩ mô khéo léo.

Vừa có tiền, vừa có bạn hiền

Vậy là, khi có quan điểm nhìn nhận đúng, doanh nghiệp sẽ vừa có đối tác chiến lược thật sự (cho phát triển ngành nghề) vừa có đối tác tài chính (cho yêu cầu trường vốn). Sự nhìn nhận mạch lạc cũng góp phần loại bớt các bế tắc, hóa giải căng thẳng do thiếu thông hiểu trong đàm phán và ra quyết định. Nôm na, doanh nghiệp chẳng những có tiền mà còn được cả bạn hiền. Anh này là chiến lược thì anh kia là chiến hữu, anh nào cũng quan trọng cả. Sự đồng hành của họ tạo men xúc tác, thúc đẩy kinh tế doanh nghiệp phát triển, và nền kinh tế sẽ mặc nhiên được lợi. Mặt khác, nguồn FPI lại không dừng ở vốn cổ phần, vì món khoái khẩu không kém của nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn là trái phiếu. Trái phiếu (doanh nghiệp và Nhà nước) là loại có lắm điều hay điểm lợi, nhưng ở ta lại chưa mấy được quan tâm.

Tuy con đường đến với nguồn FPI ngắn và đơn giản hơn FDI, các điều kiện hạ tầng để duy trì và điều hòa nguồn này không đơn giản. Về phía doanh nghiệp, việc hành xử đúng mực theo yêu cầu trung thực, minh bạch, công khai, sẽ là quy ước đeo bám. Về phía Nhà nước, cần có chính sách rõ ràng, nhất quán và hiệu lực điều hành đồng bộ. Đối với nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư tài chính nói riêng, môi trường dù hấp dẫn mà không dự tính được là rủi ro. Nền kinh tế càng hội nhập sâu thì trên xa lộ FPI tốc độ chuyển động càng cao. Làm thế nào để đón nhận nguồn vốn dồi dào nhưng hơi “khó chịu” này một cách hiệu quả và an toàn là gợi ý của một cổng thông minh tối ưu.

FPI hay FII?

Xin được bàn một chút về cách gọi đầu tư gián tiếp mà, với trường hợp nước ngoài, nhiều nơi ở ta đã dịch ra tiếng Anh là foreign indirect investment và gọi tắt là FII. Thật ra, có thể nói trong kinh tế tài chính không có hoạt động đầu tư sinh lợi nào là gián tiếp cả. Gọi gián tiếp rất dễ bị diễn dịch sai và lẫn lộn với các dạng đầu tư không sinh lợi. Vả lại, FII hay indirect investment cũng không có trong tiếng Anh chuyên ngành. Cách gọi chuyên ngành là portfolio investment, là đầu tư tài chính hay đầu tư theo danh mục.

Dòng FPI tuy dồi dào nhưng biến động, hoạt động chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư (thế giới có trên 100 định chế đầu tư loại này với số vốn khoảng 300 tỉ đô la Mỹ). Mục đích hoạt động của các quỹ khá đa dạng, đôi khi rất diều hâu hoặc bảo thủ, ví dụ loại hedge fund (quỹ đầu cơ). Điểm chung của các quỹ đầu tư là không cam kết dài hạn, đặc biệt là loại mạo hiểm (venture capital).

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn