Đề nghị tất cả người lao động được vay vốn ưu đãi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2009, xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Theo đó, các thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan sẽ cắt giảm việc làm.

Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội nghị việc làm và XKLĐ do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ngày 15/12. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Để cạnh tranh, lao động phải có nghề

Nhiều doanh nghiệp XKLĐ cho biết, trong năm 2008, đơn hàng phổ thông không những giảm về số lượng mà còn rất khó thực hiện. Trong khi đó, các đơn hàng cần lao động có tay nghề rất nhiều nhưng lại thiếu nguồn lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) cho biết, theo kế hoạch năm 2008, Cty đưa khoảng 12.000 lao động ra nước ngoài; nhưng đến nay chỉ đưa đi được khoảng 6.000.

Bà Nhàn cũng cho biết, một loạt hợp đồng AIC ký với khách hàng cũng bị hủy do: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu; Trình độ tay nghề của NLĐ không đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động; Tuyển dụng lao động trong nước gặp nhiều khó khăn; Nhiều lao động không vay được vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Bá Hải – Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết, có 81.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan. Những ngành mà chủ sử dụng lao động cắt giảm số lượng lao động nhiều tại thị trường này là điện tử, dệt may (ngành này cắt giảm gần 30% số lao động).

Mới đây, Ban đã giải quyết cho 200 NLĐ bị mất việc theo ba cách: chuyển sang làm việc với chủ sử dụng lao động mới, cho về nước hoặc tạm về nước cho đến khi Cty có nhu cầu thì tiếp tục trở lại làm việc.

Ông Hải nói: Theo dự báo, từ tháng 6/2009 trở đi, kinh tế Đài Loan mới hồi phục.

Thị trường nào ổn định?

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đối phó với sự cắt giảm việc làm của các nước đang tiếp nhận lao động Việt Nam, Bộ sẽ có các giải pháp riêng cho từng thị trường.

Đặc biệt là các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… và một số thị trường mới như: Brunei, Singapore, Trung Đông (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE, Qatar, Ả rập Xê út, Oman, Bahrain…). Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục thí điểm thị trường thu nhập cao như: Australia, Hoa Kỳ, Canada, Phần Lan, Italia.

Theo dự báo, trong năm 2009, thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sẽ là các nước Trung Đông như: Ả rập Xê út, Dubai (UAE), Cô Oét. Một số doanh nghiệp lớn như: AIC, Airseco vẫn tiếp tục ký kết nhiều đơn hàng cung cấp cho các nước thuộc khu vực Trung Đông hàng nghìn lao động.

Ông Nguyễn Xuân Vui – Tổng Giám đốc Cty Airseco cho biết, Cty này đang được đặt hàng trên 5.000 lao động cho năm 2009. Lao động được đặt hàng phải có trình độ tay nghề hàn 3G trở lên.

Theo ông Vui, mức lương tại các nước Trung Đông khá cao. Thợ hàn làm việc tại UAE có tổng thu nhập khoảng 7,5 triệu đến 9 triệu đồng/tháng; thợ hàn làm việc tại Ả rập Xê út cũng có thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Hơn nữa, điểm đặc biệt tại các thị trường này là chi phí ban đầu không cao (khoảng 1.500 USD). NLĐ được miễn tiền ăn, ở, đi lại và không phải nộp bất kỳ một khoản thuế hay phí trong thời gian làm việc theo hợp đồng ở nước bạn. Tuy nhiên, điểm lưu ý khi làm các thị trường này là lao động phải có tay nghề, các Cty cung ứng cần có văn phòng đại diện để quản lý lao động và xử lý các vấn đề phát sinh.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các cơ quan đại diện ngoại giao và các doanh nghiệp cần phải chú trọng thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu.

Bộ trưởng đề nghị tăng cường các chính sách hỗ trợ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, cho tất cả các đối tượng lao động được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để tham gia học nghề đi XKLĐ và được vay tín dụng ưu đãi để trang trải đủ các chi phí trước khi xuất cảnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Phải thấu hiểu người nghèo và yếu thế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định:

“Chúng ta đang phấn đấu thoát khỏi nước nghèo và tình trạng kém phát triển thì vấn đề lao động việc làm gắn liền với việc giải quyết chính sách xóa đói giảm nghèo và quan tâm tới các đối tượng yếu thế trong xã hội là một nhiệm vụ quan trọng.

Phải thấu hiểu hoàn cảnh những người nghèo, người chưa có việc làm, người yếu thế trong xã hội để tập trung giải quyết việc làm cho họ.

Cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tập trung giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động một cách hiệu quả nhất. Bộ ba: việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề là ba vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Tập trung đào tạo nghề là vấn đề trọng tâm của việc làm và của công tác XKLĐ. Đào tạo nghề phải đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Đáp ứng nhu cầu thị trường không phải là đáp ứng số lượng mà còn đáp ứng cả nhu cầu từng ngành nghề không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn cả ngoài nước.

Hiện nay, số lượng các trường đào tạo nghề đông, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chất lượng thấp. Các khâu từ thầy giáo, giáo trình, người học, chính sách đối với người học cũng như việc gắn kết đào tạo với thị trường còn hạn chế. Vì thế, cần phải tập trung lực lượng để nghiên cứu đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Xuân Vui – Tổng Giám đốc Cty Airseco: Cần có sự phối hợp nhịp nhàng của ba bộ

Người lao động đang có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về các thị trường XKLĐ. NLĐ giờ không còn đi lao động theo phong trào. Họ tính toán đến sự hiệu quả trước khi đi. Những thị trường truyền thống, dễ tính khó thu hút được NLĐ.

Với thị trường mang lại thu nhập cao cho người lao động như châu Âu thì vấn đề visa rất khó khăn. Các thị trường như: Nga, Bê-la-rút…, cần nghiên cứu thêm vì đây là những thị trường mà người lao động có thu nhập tốt.

Một vấn đề cần đặt ra cho XKLĐ năm 2009 là giữ thị trường. Tôi nghĩ nên có sự vào cuộc nhịp nhàng giữa ba bộ: Ngoại giao, Công an và LĐ-TB&XH trong việc quản lý và giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn. Chẳng hạn như Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao quản lý tốt lao động ở nước ngoài, Bộ Công an xử lý nghiêm khắc lao động bỏ trốn gây ảnh hưởng đến thị trường và chiến lược XKLĐ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Tổng Giám đốc Cty AIC: Chỉ nên đưa lao động có nghề

Năm 2009, doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận các thị trường mới. Trong trường hợp, thị trường mới do doanh nghiệp tự khai thác thì Bộ LĐ-TB&XH phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sớm hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng và đưa lao động đến thị trường mới đó làm việc.

Ngoài ra, để NLĐ cạnh tranh được với các đối thủ lớn như: Indonesia, Nepal, Myanmar, Philippines, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề và ngoại ngữ… miễn phí cho các đối tượng có nguyện vọng tham gia XKLĐ.

Về lâu dài, chỉ nên đưa những lao động đã qua đào tạo để vừa nâng cao tính cạnh tranh của lao động Việt Nam vừa giữ vững được thị trường. 

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử