Dịch vụ cho thuê tài chính: Vì sao DN chưa mặn mà?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ít DN hoạt động

Điểm nổi bật của hoạt động cho thuê tài chính (CTTC) là không cần tài sản đảm bảo mà chỉ cần có dự án đầu tư khả thi. Mức lãi suất cũng hấp dẫn, chỉ hơn 1%/tháng và lãi suất dựa trên dư nợ giảm dần. Thời hạn vay từ 3 – 7 năm, lĩnh vực cho thuê tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư trang thiết bị, máy móc… Bên cạnh đó, đối với các khoản vốn vay trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại luôn đòi hỏi tài sản đảm bảo (thế chấp hoặc cầm cố) và chỉ cho vay tối đa là 80% tổng chi phí thực hiện dự án, nhưng với kênh CTTC, DN chẳng những không cần ký quỹ đảm bảo hay tài sản thế chấp mà còn có thể được tài trợ đến 100% vốn đầu tư. Lãi suất của các khoản vốn vay trung và dài hạn này hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Còn thực tế, trên thị trường CTTC hiện nay, hầu hết các công ty CTTC đều là các công ty con của các ngân hàng thương mại. Trong 4 ngân hàng thương mại đi tiên phong trong lĩnh vực CTTC ở Việt Nam chỉ có 2 ngân hàng là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) và Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) hoạt động mạnh trong việc thúc đẩy và sử dụng vốn trang thiết bị trong các dự án. Có thể khẳng định, hoạt động của các công ty CTTC đã làm giảm sức ép và gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cung ứng vốn đối với các DN, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, thời gian qua còn ít DN mặn mà với dịch vụ này. Nếu như ở các nước đang phát triển, tỷ trọng của thị trường CTTC so với thị trường tín dụng vào khoảng từ 15- 20% thì ở Việt Nam, tỷ lệ này chưa đạt tới 2%. Như vậy, cứ 100 DN thì chưa đến 2 DN sử dụng những tiện ích của hoạt động CTTC. Sự vắng bóng khách hàng trên thị trường CTTC cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì nó là một hoạt động khá mới mẻ của Việt Nam, nhất là khi tín dụng trung và dài hạn của ngân hàng vẫn còn quen thuộc và được nhiều DN và cá nhân coi đó là biện pháp truyền thống dùng để vay vốn. Thêm vào đó, về chủ quan, tức là phía DN, để tiếp cận được với nguồn vốn từ thuê tài chính, DN phải có dự án thuê tài chính khả thi, tình hình tài chính lành mạnh, và có khả năng tài chính để tham gia vào dự án thuê – điều kiện mà không phải DN nào cũng đáp ứng được. Hay thiếu bảo hiểm cho các khoản vay, thiếu sự bảo đảm của các quỹ, và chính phủ thì đặt ra tỷ lệ lãi suất cao đã khiến cho việc thưc hiện các hợp đồng CTTC gặp nhiều thử thách hơn mức cần thiết.

Còn có rào cản chính sách

Nguyên nhân về cơ chế, chính sách cũng là một rào cản lớn. Theo giám đốc một công ty thương mại vận tải, trong 3 năm, công ty này đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho việc mua xe ôtô, thiết bị thi công cơ giới và đã nhiều lần tìm đến công ty CTTC nhưng vẫn “vướng” phải vấn đề đăng ký lưu hành phương tiện. Trụ sở DN ở Vũng Tàu, còn trụ sở của chi nhánh BIDV Leasing đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, mỗi khi thực hiện khám lưu hành phương tiện thì DN lại phải đưa phương tiện lên TP. Hồ Chí Minh. Điều này làm mất thời gian và ảnh hưởng tới công việc chung của đội xe. Đại diện phía CTTC cũng công nhận những vướng mắc thực tế trên của bên thuê nhưng cũng “bó tay” vì… nguyên tắc.

Nguyên tắc, trụ sở công ty CTTC ở đâu thì đăng ký lưu hành phương tiện lần đầu tại địa bàn đó. Nhiều DN khi có tài sản thuê là các phương tiện giao thông cũng gặp phải khó khăn về cơ sở pháp lý tương tự khi sử dụng bản sao công chứng đăng ký xe ô tô. Nghị định 16/2001/NĐ-CP của Chính phủ đối với phương tiện giao thông có đăng ký sở hữu quy định: công ty CTTC giữ bản đăng ký chính còn các phương tiện tham gia giao thông thì chỉ có bản sao công chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, DN là bên thuê sử dụng phương tiện gặp nhiều khó khăn tại một số địa phương vì các cơ quan chức năng không chấp nhận việc sử dụng đăng ký nói trên với lý do: chưa có văn bản hướng dẫn của bộ chủ quản hoặc không đúng với các thông tư liên quan. Như vậy, với bản chất đa quy tắc trong hoạt động của mình, các công ty CTTC tại Việt Nam cần phải nỗ lực làm mới và hoàn thiện mình hơn nữa, đặc biệt là khung pháp lý để ngày càng thu hút được nhiều DN quan tâm, lưu ý tới.

Nguồn: Báo điện tử Công thương