Điểm tình hình thị trường tháng 11/2007
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại NewYork, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 12 có thời điểm đã đạt mức 98,91 USD/thùng (21/11), hiện là 90,94 USD/thùng (30/11); giá vàng giao ngay tại London lên mức 837,40 USD/ounce (7/11), hiện giảm xuống mức 810,50 USD/ounce (29/11); giá phân urê Yuzhny tăng gần 40 USD/tấn so với đầu tháng 11/2007, hiện đạt mức 375-390 USD/tấn FOB (22/11). Giá cả nhiều mặt hàng khác cũng tăng liên tục trong suốt tháng 11/2007 như cao su, bông, gạo, sản phẩm xăng dầu, kim loại, v.v… Giá chào phôi thép Q235 ở mức 585-590 USD/tấn (FOB), giá đường tương đối ổn định ở mức 285-287 USD/tấn.   Dự báo giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu tháng 12 năm 2007 và đầu năm 2008 còn ở mức cao; giá dầu thô trên mức 90 USD/thùng, giá phôi thép Q235 dao động trên mức 600 USD/tấn, giá phân urê dao động quanh mức 360 USD/tấn (FOB).   Trong nước, sự tham gia tích cực chuẩn bị nguồn hàng của các thành phần kinh tế để phục vụ Lễ Noen, Tết Dương lịch 2008 và Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng mạnh vào dịp cuối năm, v.v… cùng với việc gấp rút hoàn thành kế hoạch năm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã làm cho thị trường mua bán hàng hoá trong tháng diễn ra khá sôi động. Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 11/2007 đạt 66.845 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 10/2007, đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 11 tháng năm 2007 đạt mức 654.887 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2006. Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2007 đạt 4,5 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2007 đạt 43,639 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2006; ước kim ngạch nhập khấu tháng 11/2007 đạt 5,750 tỷ USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2007 đạt 54,110 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2006. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương cùng với các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế tăng giá, nhưng do tác động của giá vật tư, hàng hoá trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu, ảnh hưởng của bão, lũ, dịch bệnh, v.v… và thông tin sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/1/2008 đã tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng trên thị trường trong nước. Lương thực, thực phẩm, nông sản (đậu xanh, lạc, vừng, v.v…), đường kính, phân bón, thép xây dựng, v.v… Đặc biệt, ngày 22/11/2007, Bộ Tài chính đã công bố tăng giá bán dầu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá bán xăng lên mức cao nhất từ trước đến nay cho mỗi lần điều chỉnh: tăng 1.700đ/lít đối với xăng và từ 1.500đ/lít đến 2.500 đ/kg tuỳ từng loại dầu vì sức ép bù lỗ ngày càng nặng nề.   Trước tình hình giá xăng dầu tăng sẽ tác động giá nhiều mặt hàng, ngày 22/11/2007 Bộ Tài chính đã có công điện số 09 về bình ổn giá thị trường.   Do giá nhiều nhóm mặt hàng tiếp tục tăng, nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2007 so với tháng 10/2007 tăng 1,23 %, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất là 2,06% (lương thực tăng 2,66%, thực phẩm tăng 1,95%), tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,87%, các nhóm còn lại có mức tăng 0,02 – 1,02%, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,54% và nhóm văn hoá thể thao giải trí giảm 0,01%. Địa phương có chỉ số giá tháng 11/2007 tăng cao nhất là tỉnh Gia Lai tăng 2,42%. Đà Nẵng tăng 1,73%, Thừa Thiên Huế tăng 1,25%, TP Hồ Chí Minh tăng 1,35%, Hà Nội tăng 0,9%.   Như vậy, nếu so với tháng 12/2006 thì chỉ số giá tháng 11 năm 2007 đã tăng tới 9,45% (11 tháng năm 2006 tăng 6%, 2005 tăng 7,6%), trong đó cao nhất vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 14,08% (11 tháng năm 2006 tăng 7,2%), nhóm lương thực tăng 12,06% (11 tháng 2006 tăng 11,5%), thực phẩm tăng 15,73% (11 tháng 2006 tăng 5,3%), tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 13,4% (11 tháng 2006 tăng 5,4%), các nhóm còn lại có mức tăng từ 1,39 đến 7,29%. Nhưng nếu  so với chỉ số giá 11 tháng năm 2007 với 11 tháng năm 2006 thì chỉ số giá tăng là 7,92%.
Trong tháng 12/2007 và các tháng đầu năm 2008, các biện pháp nhằm hạn chế tốc độ tăng giá sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, nhưng do tác động của giá vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn còn ở mức cao (gạo, cao su, phân bón, phôi thép và sản phẩm thép, dầu thô và sản phẩm xăng dầu, thuốc tân dược, v.v…), trong nước thời tiết (bão, lũ), dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nhu cầu chuẩn bị nguồn hàng Tết của các thành phần kinh thế ngày càng cao, sức mua xã hội sẽ tăng cao hơn (giải ngân gấp rút cuối năm của các công trình, tiền thưởng cuối năm, đầu năm 2008 tiền lương ở tất cả các khu vực được điều chỉnh tăng, v.v…), đặc biệt là tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu (dẫn đến chi phí sản xuất, cước vận chuyển tăng, v.v…) sẽ tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2007 so với tháng 11/2007 tăng khoảng 1,5%, như vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2007 so với tháng 12/2006 tăng khoảng 11%, nhưng nếu so chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2007 với bình quân cả năm 2006 thì chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng dưới 8,5%.

Nguồn: Bộ Công Thương