Điểm tình hình thị trường tháng 12/2007
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sự bất ổn về chính trị, giới hạn của nguồn cung, những thay đổi bất thường của thời tiết, khí khậu (thiên tai, bão lũ) cùng với sự bùng phát của dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung nông sản và thực phẩm của thế giới. Nhu cầu tiêu dùng cao và giới hạn của nguồn cung đã dẫn đến sự tăng giá thế giới các mặt hàng cơ bản như năng lượng, kim loại, lương thực, thực phẩm trong năm 2007. Theo Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số giá của hầu hết các nhóm hàng đều tăng mạnh, so với tháng 1/2007 thì đến tháng 11/2007, chỉ số giá nhóm hàng năng lượng đã tăng tới 42%; chỉ số nhóm hàng phi năng lượng tăng tới 21,2% (trong đó chỉ số giá thực phẩm tăng 39,72 %, dầu ăn tăng 91,14 %, phân bón tăng 92,4 %, khoáng sản và kim loại tăng 10 %). Trong nước, do việc triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường và nguồn hàng trên thị trường dồi dào, đặc biệt là nguồn thực phẩm đã ổn định dần nên giá nhiều mặt hàng (nhất là thực phẩm) sau khi tăng cao từ giữa tháng 11/2007 và đầu tháng 12/2007 đã bắt đầu chững và giảm vào những ngày cuối tháng 12 ở một số nơi (chủ yếu đối với thịt lợn và rau quả), riêng giá thép, phân bón, xi măng tiếp tục tăng do tác động của giá thế giới.  Do giá nhiều mặt hàng tiếp tục tăng từ giữa tháng 11/2007 nên chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 12/2007 so với tháng 11/2007 tăng 2,91%. Các địa phương có mức tăng giá cao nhất: Bình Dương tăng 4,89%, TPHCM tăng 3,87%, Hải Phòng tăng 3,73%, Gia Lai tăng 3,32%, Kiên Giang tăng 2,95%, Hà Nội tăng 2,26%. Trong cơ cấu của chỉ số giá tháng 12/2007 thì nhóm thực phẩm có mức tăng cao nhất là 4,69%, tiếp theo là nhóm phương tiện đi lại – bưu điện tăng 4,38% (bưu chính viễn thông giảm 0,77%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,28%, nhóm lương thực tăng 2,29%, các nhóm còn lại có mức tăng 0,08 – 1,61%. Trong năm 2007, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thị trường hàng hoá sôi động với sự đa dạng, phong phú của nhiều chủng loại hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ngày càng quan tâm, đặc biệt với sự phối hợp triển khai đồng bộ của các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã chú trọng hơn nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường. Việc tiêu thụ hàng hoá của nông dân tiếp tục được cải thiện với giá thu mua nông sản tăng. Giá cả hàng hoá trên thị trường trong năm tuy không có “sốt giá” trên diện rộng do thiếu hàng, nhưng do tác động của nhiều yếu tố trong nước và thế giới đã tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng (gạo, thực phẩm, cà phê, cao su, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, v.v…) nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2007 so với tháng 12/2006 tăng 12,63% (tháng 12/2006 so với tháng 12/2005 tăng 6,6%; tháng 12/2005 so với tháng 12/2004 tăng tăng 8,4%), chỉ số giá bình quân năm 2007 so với bình quân năm 2006 tăng 8,3%, trong đó nhóm: lương thực tăng 15,02%, thực phẩm tăng 10,06%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 11,01%, các nhóm còn lại có mức tăng 3,18 – 7,72% (riêng bưu chính viễn thông giảm 2,91%), giá vàng tăng 13,62%, giá đô la Mỹ tăng 0,62%. Giá cả thị trường trong năm 2007 tăng cao do tác động của những yếu tố chủ yếu sau: ·          Giá nhiều loại vật tư – hàng hoá trên thị trường thế giới luôn trong chiều hướng tăng (có những mặt hàng tỷ trọng nhập khẩu lớn: xăng dầu là 100%, phôi thép là 65 – 70%, thuốc chữa bệnh là 50%, v.v…): giá dầu thô từ 53 – 58 USD/thùng (tháng 1/2007) tăng lên trên 90 USD/thùng (tháng 12/2007), giá phôi thép Trung Quốc loại Q235 từ mức 430 – 450 USD/tấn (tháng 1/2007) tăng lên 600 – 635 USD/tấn (tháng 12/2007), phân urê tại Yuzhnny từ mức 230 – 250 USD/tấn (tháng 1/2007) tăng lên 390 – 400 USD/tấn (tháng 12/2007), đã tác động tới giá xuất, nhập khẩu tăng (gạo tăng 20%, cà phê tăng 23%, hạt tiêu 102%, cao su tăng 8%, thép thành phẩm tăng 15%, phôi thép tăng 27%, phân bón các loại tăng 10%, trong đó phân urê 7%, xăng dầu tăng 7%, bột giấy tăng 15%, chất dẻo nguyên liệu tăng 9%, v.v…), chi phí sản xuất đầu vào tăng tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng trong nước. ·           Ngay từ đầu năm nhà nước đã chủ động thực hiện lộ trình điều hành theo cơ chế giá thị trường đối với một số vật tư quan trọng: giá điện tăng 7,6%, than tăng 10 – 20%, xăng tăng 23,8% và giá dầu bắt đầu từ tháng 11/2007 điều chỉnh tăng: diezel tăng 18,6%, Madut tăng 41,6%, v.v… ·          Thời tiết có những diễn biến bất thường (mưa, bão, lũ lớn diễn ra trên diện rộng), dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, v.v…) diễn biến phức tạp đó ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cộng với chi phí tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 25-20% (do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng bình quân 30-60%) đã làm cho giá cả nhóm lương thực-thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng.     ·          Nhu cầu có khả năng thanh toán tăng cao: tiền lương, tiền thưởng, lượng kiều hối tăng (ước lượng kiều hối chuyển về trên 6 tỷ USD), thu nhập của người nông dân tăng do giá nông sản – thực phẩm tăng cao; nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn đầu tư phát triển trong nước tăng (ước vốn ODA giải ngân khoảng 2 tỷ USD); tổng phương tiện thanh toán và dư nợ cho vay của nền kinh tế tăng cao (tổng phương tiện thanh toán ước đến cuối tháng 12/2007 tăng 36,92% so với cuối năm 2006 và tổng số dư nợ cho vay của nền kinh tế ước tăng 37,79% so với cuối năm 2006) đã tác động mạnh đến giá cả hàng hoá trong nước. Trước tình hình giá cả chiều hướng tăng, ngay từ đầu năm cũng như trong năm Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương phối hợp cùng với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện Chỉ thị số 18/2007/CP-TTg, Chỉ thị số 23/2007/CT—TTg, Thông báo số 216/TB-VPCP và Thông báo số 252/TB-VPCP của Chính phủ về bình ổn thị trường: – Thường xuyên rà soát để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu (gạo, đường, phân bón, xăng dầu, thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, v.v…). Khắc phục thiên tai, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Thành lập các đoàn kiểm tra giá thép, sữa, gas. – Ổn định giá bán một số vật tư quan trọng (điện, than, nước). Giãn lộ trình điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. – Thực hiện lộ trình điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế và điều chỉmh giảm thuế đối với một số nhóm hàng khác (thực phẩm, sữa, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, gas, phôi thép, v.v…). Giãn thời hạn nộp thuế VAT đối với một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu nhựa, hoá chất cơ bản). – Giữ ổn định các lãi suất chủ đạo của đồng Việt Nam, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, bán trái phiếu Ngân hàng Nhà nước để rút tiền từ lưu thông về. Điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VNĐ và ngoại tệ. Điều chỉnh hoạt động của thị trường chứng khoán dần về trạng thái bình ổn, khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ, v.v…    – Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, v.v…

Nguồn: Bộ Công thương