Diễn đàn M&A thường niên: “Đặc sản” đồng hành cùng doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Diễn đàn M&A thường niên là món “đặc sản” mà Báo Đầu tư dành để tri ân, cụ thể hóa phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) bày tỏ tin tưởng rằng, Diễn đàn sẽ thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững


Kênh đóng góp chính sách và thu hút đầu tư cho nền kinh tế

Như thường lệ, tại Diễn đàn M&A thường niên trong suốt 12 năm qua luôn có phần “đối thoại chính sách” giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước với lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại đây, nhiều ý kiến góp ý, phản biện, đề xuất về môi trường đầu tư kinh doanh, khung khổ pháp lý đã được tiếp thu. Diễn đàn M&A trở thành một kênh đề xuất chính sách liên quan đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Năm 2018, tròn 10 năm tổ chức tại Việt Nam, Diễn đàn M&A thường niên đã đón một “vị khách” đặc biệt: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lúc đó là Phó thủ tướng Chính phủ. Trước hơn 700 lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Phó thủ tướng tin tưởng rằng, Diễn đàn M&A sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực cho các cơ quan của Chính phủ, cũng như cho mỗi đại biểu tham dự, tạo động lực mạnh mẽ hơn, thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Đặc biệt, Phó thủ tướng đánh giá rằng, với Việt Nam, M&A có ý nghĩa quan trọng, giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, theo chiều ngược lại, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cũng tạo ra nhiều cơ hội M&A cho tất cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia.

Phó thủ tướng cũng “giao nhiệm vụ” cho Diễn đàn M&A là tập trung đánh giá xu hướng của hoạt động M&A, những tác động tích cực, cũng như những hạn chế, chỉ ra những cơ hội đầu tư và điều quan trọng nữa là đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm khơi thông mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế theo hình thức M&A. Diễn đàn cũng cần thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về các thành công và thất bại của các thương vụ M&A, từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng đến “hậu M&A”, để hoạt động M&A ngày càng hiệu quả hơn.

Phó thủ tướng đã đề nghị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương có mặt tại Diễn đàn lắng nghe và nghiên cứu, tiếp thu đề xuất, kiến nghị hợp lý của các chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động M&A.

“Tôi xin khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hành động vì một môi trường đầu tư thực sự lành mạnh, minh bạch, thuận lợi, khuyến khích hoạt động M&A phát triển cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trong suốt 12 năm qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp… Diễn đàn M&A đã góp phần tạo nên một kênh huy động vốn khá hiệu quả. Trong 12 năm qua, ước tính có gần 4.500 thương vụ M&A được thực hiện, với tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 60 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đã nhiều năm dành cho Diễn đàn M&A sự quan tâm sâu sắc đánh giá rằng, Diễn đàn M&A Việt Nam đã góp phần quan trọng kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng từng chia sẻ tại Diễn đàn M&A rằng, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

“Tôi mong rằng, qua Diễn đàn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các chuyên gia sẽ đóng góp ý kiến để các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam hoàn thiện cơ sở pháp lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động M&A phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Diễn đàn M&A đã có đóng góp rất tích cực đối với nền kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước. Diễn đàn nâng cao nhận thích tích cực, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động M&A, từ sự “sợ hãi” thành một phương thức huy động vốn hiệu quả và kinh doanh mở rộng thị trường.

“Diễn đàn là nơi trao đổi thực tiễn thiết thực và vô cùng hữu ích cho xây dựng chính sách. Diễn đàn nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà đầu tư và bên có liên quan ở ngoài nước. Chia sẻ thông tin sâu về chính sách và kinh nghiệm thực tế trong thương vụ M&A là điểm hấp dẫn lớn nhất của nhà đầu tư”, ông Hiếu đánh giá.

Cây cầu kết nối doanh nghiệp, thương vụ M&A

Trong 12 năm qua, Diễn đàn M&A đã quy tụ được hơn 6.000 lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế với hàng chục phiên thảo luận trực tiếp và hàng ngàn phiên kết nối song phương, đa phương được tổ chức từ “mai mối” của Diễn đàn. Diễn đàn M&A đã đóng vai trò đơn vị kết nối, chất xúc tác quan trọng cho các thương vụ M&A của các doanh nghiệp. Từ Diễn đàn M&A, rất nhiều thương vụ đã được kết nối.

Trong rất nhiều năm qua, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital là vị khách thường xuyên của Diễn đàn M&A.

“Đây là sự kiện tôi mong đợi hằng năm, cung cấp nhiều thông tin hữu dụng và có sự giao lưu rất bổ ích giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư tham dự Diễn đàn để nghe được những cơ hội thực sự họ không tìm thấy trên mặt báo, hay các báo cáo số liệu đã công bố. Họ muốn gặp nhau, được thảo luận, phân tích các cơ hội tích cực, tiêu cực từ những ngành nghề mới”, ông Andy Ho chia sẻ.

Những năm gần đây, khi bắt đầu chiến lược mở rộng thị trường, tăng trưởng quỹ đất, thì Novaland cũng là doanh nghiệp đồng hành cùng Diễn đàn M&A. Mỗi năm, tổng giá các thương vụ M&A do Novaland thực hiện đều trên 1 tỷ USD.

Tại Diễn đàn M&A 2020, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc Tài chính cao cấp của Tập đoàn Novaland đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá. Điển hình như việc trước thời điểm đó 1 tuần, Novaland đã hoàn tất thương vụ dự án quy mô 286 ha ở Đồng Nai, cùng một số thương vụ khác ở các địa phương khác, với tổng giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD.

Ngay sau khi rời khỏi ghế Diễn giả để giải lao, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bước tới bắt tay, chìa name card trao đổi, tiếp xúc, đề nghị hợp tác, cung cấp thông tin với ông Nguyễn Thái Phiên.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng đến Diễn đàn M&A với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu thông tin để gọi vốn cho các hạng mục trong dự án đang phát triển. Trước đó ít lâu, Tập đoàn Đại Phúc tiếp một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản muốn rót vốn vào một số hạng mục của Dự án Vạn Phúc City rộng 198 ha tại Thủ Đức (TP.HCM) của Đại Phúc. Đại Phúc cũng bắt tay với một đối tác ngoại để phát triển công viên nước lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 300 triệu USD.

“Ngoài gọi vốn của các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bất động sản cùng tham gia phát triển ở các hạng mục như trường học quốc tế, bệnh viện cao cấp và chung cư… cho dự án, tôi còn tham dự Diễn đàn để nắm bắt xu hướng đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, bởi M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai”, bà Hương chia sẻ.

Nơi các nhà tư vấn “trổ tài”

Mỗi thương vụ M&A thành công luôn có bóng dáng của các nhà tư vấn. Họ là “bên thứ ba” tư vấn về các vấn đề pháp lý, định giá, tài chính, thương hiệu, thị phần, thị trường, kiểm soát tập trung kinh tế, kiểm soát giao dịch cổ phiếu…, nên vai trò của họ rất quan trọng. Diễn đàn M&A thường niên cũng là “sàn diễn” cho nhà tư vấn M&A trổ tài, kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các thương vụ thành công.

Trong 10 năm qua, Tập đoàn Recof (Nhật Bản với đại diện là ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp của Recof) là vị khách thân quen đồng hành cùng Diễn đàn M&A. Recof là “bà đỡ” cho rất nhiều thương vụ M&A giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam. Recof đã đề xuất 1.000 thương vụ cho các công ty Nhật Bản, đồng hành trực tiếp với 150 doanh nghiệp Nhật Bản và đã tham gia hàng trăm thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD.

Suốt 10 năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện thành công về số lượng và đa dạng về ngành nghề, với nhiều cái tên lớn từ Nhật Bản đã sở hữu các thương hiệu Việt Nam hàng đầu. Recof trở thành đối tác lớn của rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản. Phần lớn các mối quan hệ, khách hàng, đối tác mới được hình thành từ Diễn đàn M&A Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đánh giá, Diễn đàn M&A đã để lại ấn tượng tốt trong cộng đồng đầu tư, trở thành sự kiện thường niên quan trọng của thị trường M&A Việt Nam và khu vực. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp không chỉ học hỏi từ các diễn giả, mà còn được gặp gỡ các đối tác tiềm năng.

“Tôi hy vọng rằng, Báo Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức tốt Diễn đàn trong những năm tới để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội giao lưu, chia sẻ thông tin về M&A”, ông Ái cho biết.

Khát vọng góp sức mình trong việc tạo ra một kênh đầu tư, thu hút vốn chuyên nghiệp, có hiệu quả cao, đóng góp cho chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế; trở thành một cầu nối, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước; là “điểm tựa” đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp… đã thôi thúc Ban Tổ chức Diễn đàn M&A luôn phải nỗ lực, đổi mới, sáng tạo qua mỗi sự kiện. Giấc mơ đưa Diễn đàn M&A ra quốc tế, ngang tầm khu vực vẫn còn nóng bỏng và là mục tiêu lớn mà Ban Tổ chức Diễn đàn M&A đang hướng tới, trong một ngày không xa.

Những con số ấn tượng của Diễn đàn M&A thường niên từ năm 2009 đến 2020

Hơn 4.000 thương vụ M&A được thực hiện, quy mô thương vụ ước đạt hơn 60 tỷ USD.

Thu hút sự tham gia của hơn 6.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế với hàng chục phiên thảo luận trực tiếp và hàng ngàn phiên kết nối song phương, đa phương được tổ chức.