Điều chỉnh giá VLXD: Cần tiếp tục được gỡ vướng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã ký văn bản số 623/BXD-KTTC gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tháo gỡ những vướng mắc trong điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng.

Tại văn bản số 164/TTg-CN ngày 29/01/2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng chủ yếu do Nhà nước kiểm soát bị tăng giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã thoả thuận trong hợp đồng; Đồng thời cho phép điều chỉnh hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thành hình thức hợp đồng theo giá điều chỉnh. Theo tình hình thực tế thị trường, nhiều loại nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng đều tăng giá rất lớn trong thời gian qua.

Phải điều chỉnh nhiều mặt hàng

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng (gọi chung là vật liệu xây dựng) có biến động giá từ năm 2007 bao gồm: Xăng, dầu, sắt thép (bao gồm cả cáp thép, ống thép), nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch, dây điện, cáp điện, gỗ (bao gồm cả cốp pha gỗ, cửa gỗ), kính. Trường hợp đặc biệt, nếu cần điều chỉnh các loại vật liệu xây dựng khác, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nhà nước quyết định.

Về xử lý đối với hợp đồng đã được thanh toán xong trong năm 2007: Hợp đồng đã được thanh toán xong trong năm 2007 là các hợp đồng xây dựng đã thanh toán hết giá hợp đồng (bao gồm giá trị của hợp đồng đã được ký kết và phần bổ sung nếu có) trong năm 2007 (trừ các khoản bảo hành theo qui định), không được điều chỉnh giá vật liệu xây dựng (không hồi tố).

Về tính dự toán chi phí xây dựng bổ sung: Dự toán chi phí xây dựng công trình bổ sung cần được tính đầy đủ các khoản chi phí (bao gồm cả trực tiếp phí khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước) để nhà thầu bù đắp đủ chi phí như các khoản lãi vay, quản lý của doanh nghiệp… Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư xem xét, tính toán đầy đủ các khoản chi phí cần thiết trong dự toán chi phí xây dựng công trình bổ sung và tự chịu trách nhiệm.

Chờ điều chỉnh, được tạm thanh toán 80%-90% chênh lệch giá

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị: Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước giao cho chủ đầu tư xem xét quyết định. Riêng các dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nhà nước quyết định.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách địa phương, Bộ Xây dựng kiến nghị: Việc tính toán điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, hợp đồng do chủ đầu tư thực hiện và chịu trách nhiệm; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh qui định việc áp dụng hệ thống đơn giá xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, giá vật liệu… Trường hợp giá theo thông báo giá hoặc công bố không phù hợp hoặc không có, chủ đầu tư căn cứ vào chứng từ, hoá đơn hợp lệ phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

Về tạm ứng hợp đồng và tạm thanh toán đối với chi phí xây dựng bổ sung do biến động giá: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng tiền bù chênh lệch giá theo mức tạm ứng của hợp đồng của khối lượng chưa thực hiện và tạm thanh toán 80%-90% chênh lệch giá của khối lượng đã thực hiện trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh để tránh thiệt hại cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án.

Công thức điều chỉnh giá linh hoạt

Về việc thay đổi nhóm dự án theo qui mô do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện dự án (thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án) như qui định đối với dự án trước khi điều chỉnh đối với trường hợp sau khi điều chỉnh giá vật liệu xây dựng làm thay đổi nhóm của dự án.

Đối với các gói thầu, công trình do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu hoặc thầu chính, mà thầu phụ là doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Xây dựng kiến nghị: Việc điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng đối với các công việc do nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện do chủ đầu tư xem xét quyết định trên cơ sở thống nhất của nhà thầu nước ngoài. Việc thanh toán chi phí bổ sung này có thể do chủ đầu tư trả trực tiếp cho nhà thầu phụ Việt Nam.

Trường hợp nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu hoặc thầu chính, mua nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu xây dựng trong nước, chủ đầu tư xem xét quyết định việc điều chỉnh; Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.

Đối với các gói thầu của các dự án sử dụng vốn ODA (trừ vốn đối ứng): Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với nhà tài trợ để bổ sung vốn do trượt giá; Trường hợp nhà thầu Việt Nam là tổng thầu, thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng như của dự án sử dụng vốn nhà nước; Trường hợp áp dụng công thức điều chỉnh giá trong hợp đồng đã ký kết, sử dụng chỉ số giá do Tổng cục Thống kê để điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp, các bên thống nhất điều chỉnh công thức áp dụng, căn cứ tính toán và ký phụ lục hợp đồng sau khi có ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ.

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo nghị định số 99/2007/NĐ-CP khi điều chỉnh giá hợp đồng do giá vật liệu xây dựng biến động trong thời gian qua ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã thoả thuận trong hợp đồng. Chủ đầu tư tính toán lại hiệu quả đầu tư của dự án và báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.

Với những đề nghị trên, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư để hướng dẫn thực hiện.

Nguồn: Báo Hà Nội mới