Điều chỉnh giá xăng dầu: Sẽ chỉ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 0,5- 0,7%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Bộ trưởng, tăng giá xăng dầu vào thời điểm này là cần thiết?

Với giá bán xăng dầu theo Quyết định 12/2008/QĐ-BTC ngày 25/2/2008 vừa qua của Bộ Tài chính so với mặt bằng giá nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm cộng với thuế nhập khẩu xăng dầu là 0% như hiện nay thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ trong 6 tháng đầu năm là hơn 14,5 nghìn tỷ đồng. Đó là còn chưa kể số lỗ năm 2007 là 7,4 nghìn tỷ đồng chưa có nguồn nào trang trải.

Nếu từ nay đến hết năm Nhà nước giữ không điều chỉnh giá (cả xăng và dầu) và dự báo giá dầu được công bố ở các mức 145 – 150 USD/thùng thì theo tôi, dự tính kinh doanh xăng dầu năm 2008 sẽ lỗ từ 67 – 72 nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, Ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ bị giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng do giảm thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%.

Do Nhà nước phải bù lỗ quá lớn, NSNN sẽ không có nguồn để thực hiện an sinh xã hội và tình trạng bao cấp tràn lan sẽ tiếp diễn. Ngoài ra, nếu không điều chỉnh giá một phần trong năm nay thì sẽ gây áp lực rất lớn đến điều hành giá xăng, dầu năm 2009, từ đó dẫn đến tác động cộng hưởng đối với điều hành mặt bằng giá năm 2009 (trong đó có giá điện, nước sạch, xe buýt công cộng…). Mặt khác không tạo sức ép để các đối tượng sử dụng xăng, dầu tiết kiệm. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh giá.

Theo Bộ trưởng, lần tăng giá xăng dầu này ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu chống lạm của Chính phủ?

Thời gian qua, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, kinh tế biến động… Thế nhưng Chính phủ vẫn giữ lời hứa trước dân là không tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu đến hết tháng 6.

Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 7, giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao và có lúc gần chạm ngưỡng 150 USD một thùng. Doanh nghiệp nhập khẩu lỗ, ngân sách Nhà nước không đủ sức tiếp tục bù.

Trong quyết định tăng giá xăng dầu, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, chúng ta đã thực hiện từng bước và có sự chia sẻ trách nhiệm. Giá xăng dầu tăng nhưng cũng chỉ mới xấp xỉ giá thị trường. Dầu hỏa bù lỗ 1.000 đồng và ma-zút bù 1.500 đồng/lít, riêng dầu Diesel chỉ điều chỉnh tăng 14% và Nhà nước bù lỗ từ 70%-80% còn 20%-30% là người tiêu dùng chịu… Sự điều chỉnh có mức độ và thực hiện chính sách chia sẻ trách nhiệm để thực hiện mục tiêu chống lạm phát.

Thưa Bộ trưởng, liệu chỉ số CPI sẽ chịu tác động như thế nào từ lần tăng giá bán lẻ xăng dầu này?

Theo tính toán thì chỉ số CPI sẽ bị tác động trực tiếp từ giá xăng dầu khoảng 0,5-0,7%. Tuy nhiên, những tác động trực tiếp làm tăng giá sẽ không ảnh hưởng lớn, chỉ những tác động gián tiếp có thể sẽ đẩy mức này lên cao hơn. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ thực hiện một loạt các biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiềm chế lạm phát như cắt giảm chi phí, kiểm soát giá đầu vào của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát cơ cấu giá cả các mặt hàng, chống đầu cơ tăng giá, thực hiện niêm yết giá công khai… không để tăng giá bất hợp lý, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp và người dân tiết kiệm nhiên liệu…

Đối với các mặt hàng mà Nhà nước quản lý giá như điện, nước sạch, xe buýt công cộng… vẫn duy trì chính sách ổn định giá bán từ nay đến hết tháng 12, mặt hàng than cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh.

Cùng lúc với quyết định tăng giá xăng dầu, hôm nay (21/7), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 965/QĐ-TTg sửa đổi một số điều trong Quyết định 289/QĐ-TTg về mức hỗ trợ giá dầu cho ngư dân. Theo đó mức hỗ trợ đối với tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 10 triệu đồng/một chuyến đi đánh bắt hải sản, và mức hỗ trợ là 3 lần/năm; tương tự tàu có công suất 40 CV đến 90 CV là 6,5 triệu đồng/chuyến đi, hỗ trợ 4 lần/năm; tàu công suất dưới 40CV là 4 triệu đồng/chuyến đi, hỗ trợ 5 lần/năm. Trường hợp những ngư dân chưa nhận hoặc đã nhận tiền hỗ trợ theo mức quy định tài Quyết định 289/QĐ-TTg thì tiếp tục được nhận hỗ trợ theo quy định tại Quyết định trên.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ