Điều chỉnh thuế suất thuế GTGT: Cẩn trọng với hàng thiết yếu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ý kiến của nhiều DN, ngoài những mặt hàng thiết yếu chưa đưa vào diện chịu thuế GTGT, cần giữ mức thuế suất thấp đối với hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân như: nước sạch, đường và phụ phẩm của đường; lương thực, thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thiết bị dụng cụ y tế; đồ dùng cho nghiên cứu, thí nghiệm, giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, ý kiến của nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, các mặt hàng là vật tư, nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ khoa học – công nghệ cũng tiếp tục được duy trì ở mức thuế suất thấp (5%), nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho những ngành phân bón, quặng dùng để sản xuất ra phân bón, thuôc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng; thức ăn cho gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; các dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ khoa học bao gồm phân hữu cơ và phân vô cơ như: phân lân, phân đạm (urê), phân NPK, phân đạm hỗn hợp, phân phốt phát, bồ tạt, phân vi sinh, lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá…

Đặc biệt, các sản phẩm do ngành nông nghiệp sản xuất ra trong khâu kinh doanh thương mại hoặc sản phẩm cũng cần để duy trì mức thuế suất 5% để khuyến khích việc lưu thông, đẩy mạnh tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Đó là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa qua chế biến; sản phẩm bằng đay, cói, tre nứa lá; bông sơ chế; mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế…

Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, toàn bộ các mặt hàng trong Biểu thuế GTGT hiện hành được rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại theo hướng những mặt hàng là bán thành phẩm, hàng hoá đang ở trong các khâu trung gian, tiếp tục tham gia vào hoạt động kinh doanh của DN… sẽ được xếp vào diện thuế suất 10%. Do tính chất là sản phẩm trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng nên việc điều chỉnh thuế suất 5% lên 10% sẽ không ảnh hưởng đến mặt bằng giá thị trường. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh này, mức thuế GTGT phải nộp giữa các DN tham gia trong quy trình sản xuất sẽ có sự thay đổi.

Quá trình lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân về sửa đổi Luật Thuế GTGT tuy vẫn còn những kiến nghị riêng về việc áp dụng mức thuế thấp đối với sản phẩm do DN mình, ngành mình sản xuất ra nhưng nhìn chung các ý kiến đều thống nhất với nguyên tắc sắp xếp lại thuế suất như dự thảo luật để đảm bảo lộ trình áp dụng thống nhất một mức thuế GTGT. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến đề xuất cần cân nhắc thêm về mức thuế suất đối với một số hàng hoá, dịch vụ hiện hành thuộc diện không chịu thuế mà tới đây đưa sang diện chịu thuế. Theo đó, nếu áp dụng ngay mức 10% có thể sẽ tạo khó khăn tức thì, vì vậy sẽ là hợp lý hơn nếu áp dụng mức thuế 5% trong thời gian vài năm đầu.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp