Định hướng đối ngoại đến 2020: Những kỳ vọng từ phía doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngoại giao kinh tế

Toàn cầu hóa kinh tế mở ra nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức, rủi ro không nhỏ đòi hỏi phải có định hướng đối ngoại thích hợp trong khoảng 10-15 năm tới và xa hơn nữa. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, Trưởng Nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước về “Xu thế phát triển thế giới và định hướng đối ngoại Việt Nam đến 2020” cho biết: “Định hướng bao trùm lên các hoạt động đối ngoại của ngành ngoại giao trong thời gian tới là tập trung cho ổn định an ninh và phát triển đất nước, trong đó có việc phục vụ phát triển kinh tế (ngoại giao kinh tế)”.

Theo đó, nhiệm vụ quan trọng của ngành ngoại giao là thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, tham mưu, cảnh báo các nguy cơ… cho Chính phủ có cơ sở hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp, đồng thời đề xuất hướng xử lý các vấn đề về kinh tế đối ngoại; mở đường phát triển các thị trường trên thế giới; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng DN phát triển và hợp tác quốc tế; đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế đối ngoại… Làm tốt những việc này, ngành ngoại giao được coi là sẽ tiếp tục có những đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước nói chung và phát triển kinh tế nói riêng.

Những kỳ vọng từ doanh nghiệp

Theo đại diện Công ty Đại Dương (Hà Nội), trong giai đoạn phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, cần phải lấy hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế làm thước đo hoạt động của ngành ngoại giao. Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải luôn là cầu nối hữu hiệu cho DN hợp tác kinh doanh quốc tế.

Chia sẻ quan điểm với Công ty Đại Dương, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.HCM mong rằng, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cũng như pháp lý cho các DN, doanh nhân đang sinh sống, kinh doanh ở nước ngoài cũng như các doanh nhân, DN trong nước muốn đầu tư, phát triển kinh doanh ra nước ngoài.

Ông Vũ Xuân Tiền, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, thành quả hoạt động đối ngoại trong thời gian qua chủ yếu vẫn ở tầm vĩ mô, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trực tiếp trong các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh quốc tế giữa các DN Việt Nam với đối tác nước ngoài chưa được cụ thể hóa nhiều. Để gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm kể từ khi gia nhập. Đây là một nội dung rất bất lợi cho các DN Việt Nam khi làm ăn quốc tế dễ phải đối mặt với các rào cản thương mại như kiện chống bán phá giá, gây ra những thiệt hại to lớn. Ngoại giao cần phải vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường càng sớm càng tốt, phải coi đây là một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại kinh tế từ nay đến 2020.

Theo ông Tiền, định hướng chính sách đối ngoại về kinh tế thời gian tới cần lưu ý hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả hơn cho các DN phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh quốc tế (chẳng hạn, giúp DN đánh giá chính xác, đầy đủ năng lực, uy tín của đối tác; giúp DN nhận thức và nắm rõ chính sách, pháp luật và các thông lệ quốc tế liên quan…). Ngành ngoại giao cần có cơ chế quan hệ giữa các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài với các tổ chức đại diện cộng đồng DN nhằm hỗ trợ thông tin hiệu quả cho DN. Nhà nước cần có chính sách cụ thể cho các DN không phân biệt thành phần kinh tế cũng như quy mô nếu có đủ năng lực và nhu cầu đều có thể được tham gia vào các hoạt động đối ngoại kinh tế.

Đáp lại kỳ vọng của DN, ông Hưng cho biết, ngành ngoại giao đang cố gắng xây dựng các cơ quan đại diện ở nước ngoài làm chỗ dựa vững chắc cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài làm ăn, sinh sống. Thông tin về thị trường và các vấn đề liên quan của các nước sở tại do các cơ quan đại diện ngoại giao gửi về là khá nhiều, song cơ chế phổ biến thông tin đến DN là vấn đề mà Bộ Ngoại giao đang rất quan tâm tìm cách hỗ trợ hiệu quả. DN mong muốn tham gia vào các hoạt động đối ngoại kinh tế cũng cần phải tìm ra được những cách thức phù hợp. Việc vận động công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sớm hơn thời hạn Chính phủ đã có cả một chương trình giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để đưa ra các cách thức, biện pháp vận động thích hợp…/.

Nguồn: Báo Kinh tế Việt Nam điện tử